Phân tích bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Thứ bảy - 06/04/2024 05:07
Trong văn học trung đại bên cạnh đề tài thể hiện tình yêu đất nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc thì còn có những bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật.

Phân tích bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông - Bài làm 1

Trong văn học trung đại bên cạnh đề tài thể hiện tình yêu đất nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc thì còn có những bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật. Tình cảm đó được thể hiện rõ nét trong bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra của Trần Nhân Tông.

Bài thơ được viết trong dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở phủ Thiên Trường. Bởi vậy cả bài thơ đầy ắp nỗi nhớ, tình yêu quê hương. Lời thơ mở đầu tả cảnh chiều hôm:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên


Cảnh vật hiện ra không rõ nét, nửa hư nửa thực, mờ ảo. Đó là cảnh chiều muộn cảnh vật nhạt nhòa trong sương, thể hiện vẻ đẹp mơ màng, yên tĩnh nơi thôn dã. Cảnh đó một phần là thực một phần do cảm nhận riêng của tác giả. Khung cảnh vừa như thực lại vừa như cõi mộng “bán vô bán hữu” – nửa như có nửa như không. Thời gian buổi chiều gợi nên nỗi buồn man mác, không gian làng quê im ắng, tĩnh mịch. Điều đó cho thấy một tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước vẻ đẹp giản dị của cuộc sống.

Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền


Âm thanh tiếng sáo làm cho bức tranh trở nên đầy sức sống. Chiều về , ngoài đồng, những con trâu theo tiếng sáo của trẻ con mà về, khung cảnh thật yên bình, đẹp đẽ. Màu trắng của từng đôi cò liệng xuống đồng cũng làm không gian bớt phần quạnh hiu. Bức tranh được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan: thị giác – sắc trắng tinh khôi của những cánh cò; thính giác – âm thanh tiếng sáo du dương, trầm bổng của những đứa trẻ đi chăn trâu. Nếu như ở hai dòng thơ đầu, cảnh vật tịch mịch, tĩnh lặng không xuất hiện bất cứ chuyển động nào thì đến hai câu thơ cuối khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật. Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, trở nên thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả. Qua đó còn cho thấy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại cảm giác thân quen, gần gũi.

Bài thơ có sự kết hợp tiểu đối và điệp ngữ một cách sáng tạo. Nhịp thơ êm ái hài hòa, giọng điệu tha thiết thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng. Sử dụng ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa. Đó là bức tranh phong cảnh làng quê quen thuộc ở bất cứ vùng đất nào của nước ta, chỉ bằng vài ba nét phác họa nhưng cho thấy một bức tranh thật thanh bình, yên ả.

Sử dụng lớp ngôn ngữ giàu chất biểu cảm và hội họa tác giả đã vẽ lên bức tranh làng quê trầm lặng mà không quạnh vắng. Bức tranh thiên nhiên, cuộc sống thật đẹp đẽ, hài hòa, nên thơ. Qua bài thơ còn cho thấy tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.
 

Phân tích bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông - Bài làm 2

Nền văn học Việt Nam trong thời trung đại (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX), cùng với những bài thơ biểu ý như Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư, cha ông ta đã sáng tác khá nhiều tác phẩm biểu cảm. “Để biểu cảm, người viết biến đồ vật, cảnh vật, sự việc, con người... thành hình ảnh bộc lộ tình cảm của mình”. Bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông và Côn sơn ca của Nguyễn Trãi chính là hai văn bản như thế.

Qua bức tranh cảnh vật và con người, hai tác giả đã bộc lộ những tình cảm thật chân thành của mình. Hai bức tranh thiên nhiên, hai hồn thơ thắm thiết tình yêu quê hương, đất nước, niềm lạc quan, yêu đời, rất đáng trân trọng.

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền”
.

Nhà văn Ngô Tất Tố dịch là:
“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.


Tương truyền, sau khi lãnh đạo quân dân ta chiến đấu chống giặc Mông - Nguyên thắng lợi, đất nước trở lại thanh bình, nhân dịp về thăm quê hương ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), vua Trần Nhân Tông đã ngẫu hứng sáng tác bài thơ này. Bài thơ được viết theo thể thơ Đường, thất ngôn tứ tuyệt, âm điệu hài hòa, nhẹ nhàng, thanh thoát. Đây là bức tranh thôn dã vào lúc chiều tà, đang ngả dần về tối. Hai câu đầu tả cảnh làng xóm mơ màng, yên ả:

“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không”.


Thôn xóm, nhà tranh mái rạ nối nhau, sum vầy phía trước, phía sau, bốn bề san sát, khói phủ nhạt nhòa, mờ tỏ, “bán vô bán hữu” nửa như có, nửa như không. Khói tỏa từ đâu ra thế? Phải chăng, đó là những làn sương chiều lãng đãng hòa quyện với những vầng khói thổi cơm ngay từ những mái nhà lan tỏa thành một màn sương - khói trắng mờ, êm dịu bay nhẹ nhàng thanh thản khiến người ngắm cảnh cảm thấy chỗ tỏ, chỗ mờ, lúc có, lúc không. Cảnh thoáng, nhẹ, khiến tâm hồn con người cũng như lâng lâng. Hay chính lòng người đang lâng lâng, mơ mộng nên nhìn thấy làng xóm, khói sương êm ả, thanh bình như thế? Ngoại cảnh và tâm cảnh hòa hợp rất tự nhiên. Xuống hai câu sau, trong cảnh có chút xao động:

“Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.


Bức tranh thôn dã có thêm âm thanh, màu sắc và vài ba cử động. Nơi gần, có mấy “mục đồng” lùa trâu về xóm, vừa đi vừa thổi sáo, tiếng sáo vi vu, văng vẳng cất lên. Nơi xa, mấy cánh cò trắng, từng đôi, từng đôi sà xuống đồng như muôn tìm mồi, hay định nghỉ ngơi! Người và vật, thiên nhiên, đồng ruộng, âm thanh và màu sắc..., tất cả đã hòa nhập với nhau vẽ nên bức tranh quê hương thanh bình, êm vắng mà thật có hồn. Nhà thơ chỉ chọn vài chi tiết tiêu biểu, rồi chấm phá vài nét như muốn thổi cả tâm hồn mình vào cảnh vật.

Cảnh vốn đẹp, qua hồn người càng đẹp thêm. Cả một miền quê rộng lớn được thu lại trong bốn dòng thơ hàm súc và biểu cảm. Rõ ràng cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu vì ở đây vẫn có sự sống con người trong mối giao hòa với cảnh vật thiên nhiên rất đỗi nên thơ. Một ông vua mà sáng tác những vần thơ gợi cảm như thế chứng tỏ đây là con người tuy có địa vị tối cao, nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã.

Nói khác đi, qua bài thơ Thiên Trường vãn vọng, vua Trần Nhân Tông đã bộc lộ tình yêu quê hương, tình yêu nhân dân, yêu đời trong sáng. Điều đó cũng chứng tỏ, ở thời đại nhà Trần, dân tộc ta, nhân dân ta sống rất cao đẹp. Bài thơ của Trần Nhân Tông góp thêm một vầng sáng nữa vào “Hào khí Đông A” của thơ văn đời Trần.
 

Phân tích bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông - Bài làm 3

Trần Nhân Tông là một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần. Ông là một vị vua yêu nước, một người anh hùng nổi tiếng với tấm lòng nhân ái. Tác phẩm “thiên trường vãn vọng” thể hiện tinh thần yêu nước sâu đậm của tác giả Trần Nhân Tông. Bài thơ thể hiện tấm lòng nặng tình nặng nghĩa đối với mảnh đất quê hương. Bài thơ được viết nhân dịp Trần Nhân ông về thăm quê cũ ở huyện Thiên Trường.

“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền”.
Nhà văn Ngô Tất Tố dịch là:
“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.


Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ tràn ngập, da diết của tác giả về quê hương. Hai câu thơ đầu mô tả cảnh chiều hôm chốn thôn quê:

“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.”


Sau khi lãnh đạo đánh thắng được quân Mông- Nguyên, đất nước được độc lập, trở về trạng thái yên bình. Nhân dịp thăm quê hương vua Trần Nhân Tông ngẫu nhiên sáng tác ra bài thơ này. Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh thiên nhiên vùng quê lúc chạng vạng tối. Cảnh vật hiện lên mờ mờ ảo ảo. Những xóm làng, mái nhà san sát nhau, mờ ảo “tựa khói lồng”. Đó chính là những làn sương hòa quyện với mái nhà tranh, tạo nên một khung cảnh mờ ảo, nên thơ. Hay đó chính là khói từ bếp lửa của những ngôi nhà trong xóm, mang lại cho ta cảm giác ấm áp, yên bình. Đất nước đã được yên bình, hình ảnh những ngôi nhà liền với bếp lửa cho thấy nhân dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Sương khói đan quyện vào “xóm trước thôn sau” tạo lên một cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Điệp từ “bán” được lặp lại hai lần tỏ rõ sự băn khoăn trước sự mờ ảo của cảnh đẹp. Cảnh vật trong hai câu thơ đầu hiện lên thật yên bình, là cảnh tĩnh với bóng chiều cùng khói bếp, đem đến khung cảnh nửa thật nửa hư “ bán vô bán hữu” gời những cảm xúc khó tả trong lòng người đọc. Chính tình yêu quê hương đất nước, cùng sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc Trần Nhân Tông đã đưa ngòi bút của mình viết lên những lời thơ thật đẹp, thật nên thơ. Hai câu thơ sau cho thấy sự hòa quyện, đan xen giữa con người và thiên nhiên:

“Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền”


Ngoại cảnh và tâm cảnh phải chăng đang hòa hợp, tạo nên sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Bức tranh làng quê đã đẹp này càng thêm đẹp hơn khi có sự xuất hiện của bóng dáng con người. Nhà thơ đã khéo léo khi đưa hình ảnh cánh cò và lũ trẻ đang chăn trâu vào trong tác phẩm, là hình ảnh đặc trưng của chốn làng quê. Trong bóng chiều chập chờn hư ảo là hình ảnh mấy đứa trẻ chăn trâu đang thong thả trên con đường làng. Cùng với đó là tiếng “sáo vẳng”, “cò trắng từng đôi liệng” một bức tranh làng quê thật đẹp, thật có hồn đậm đà phong vị quê hương đất nước. Cánh cò không xuất hiện đơn lẻ mà bay theo từng đôi, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Thi nhân đang phơi phới niềm vui khi được đứng trên mảnh đất thân thương, nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ từ những ngày còn bé. Qua đó cho ta thấy được sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại những cảm giác gần gũi, thân thuộc. Con người xuất hiện làm cho không khí bài thơ trở nên sinh động. Cảnh đã đẹp nay có hồn người lại càng đẹp hơn. Hình ảnh con người là nét chấm phá làm cho bức tranh trở nên có hồn. Ta đã từng bắt gặp khung cảnh đẹp đẽ, cùng tình người ấy trong những câu trinh phụ ngâm:

“Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm”


Chỉ bằng một vài nét chấm phá tài hoa, Trần Nhân Tông đã tạo lên một bức tranh làng quê đẹp đẽ, mờ ảo bởi những cánh cò trắng. Một bức tranh thật đẹp và có hồn đậm đà phong vị quê hương, thấm đậm tình người. Với việc sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc cùng nhịp thơ êm ái hài hòa, ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa, bức tranh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt hiện lên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Qua bài thơ “thiên trường vãn vọng”, tác giả như đắm chìm vào cảnh vật, vào non sông đất nước. Ẩn sâu trong đó là tình yêu quê hương, yêu vẻ đẹp thanh bình, bức chân dung của một vị vua hiền minh.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây