Trình bày suy nghĩ về thái độ đối với người khuyết tật

Thứ ba - 07/05/2024 23:18
Con người sinh ra không ai là hoàn hảo. Có thể nhiều lúc bản thân oán trách sao mình không xinh như bạn này, không giỏi như bạn kia.
Trình bày suy nghĩ về thái độ đối với người khuyết tật

Trình bày suy nghĩ về thái độ đối với người khuyết tật - Bài làm 1

Con người sinh ra không ai là hoàn hảo. Có thể nhiều lúc bản thân oán trách sao mình không xinh như bạn này, không giỏi như bạn kia. Nhưng thực tế, còn có những người bẩm sinh mang khiếm khuyết về cơ thể, năng lực hành vi hay cả nhận thức. Theo tôi, chúng ta cần đối xử với họ một cách công bằng.

Người khuyết tật là khái niệm chung để gọi những người mang trên mình khiếm khuyết, thiệt thòi hơn người bình thường. Họ có thể vừa sinh ra đã yếu về thị giác, thính giác, cơ thể không hoàn hảo,... Cũng có người mất đi cánh tay, đôi chân, khả năng nghe - nhìn,... bởi bệnh tật hay những vụ tai nạn. Họ thường gặp nhiều khó khăn nhất định trong cuộc sống hàng ngày.

Vậy, ta cần có thái độ như nào đối với những người khuyết tật? Dù mang trên mình bất cứ khiếm khuyết gì thì họ vẫn luôn là một phần của xã hội, xứng đáng được đối xử bình đẳng như những người khác. Hãy đồng cảm và giúp đỡ họ khi cần thiết, để họ cảm thấy bản thân mình được yêu thương và có giá trị. Hành động không nên làm nhất chính là chê bai, trêu chọc họ. Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cộng đồng.

Nhìn vào thực tế, ta được thấy rất nhiều người khuyết tật đã tự mình vượt lên trên nghịch cảnh để đạt tới thành công. Họ đã bỏ qua những mặc cảm về bản thân, nỗ lực rèn luyện không ngừng nghỉ để đạt được thành tựu đáng nể như thầy Nguyễn Ngọc Ký, Nick Vujicic, Stephen Hawking,... Chính họ đã đập tan những định kiến tiêu cực của một bộ phận trong xã hội. Tuy nhiên, cũng có không ít người bị sự tự ti "nuốt chửng", trở nên mặc cảm, xa lánh cộng đồng, xã hội. Chính vì vậy, họ cần rất nhiều sự ủng hộ từ mọi người xung quanh. Ai cũng có giá trị của riêng mình. Hãy cùng nhau khám phá, phát triển để hoàn thiện bản thân.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều cá nhân giữ quan điểm tiêu cực, bảo thủ, cho rằng người khuyết tật là gánh nặng cho xã hội. Họ làm ra những hành vi chế giễu, hạ thấp, khinh thường người yếu thế hơn mình. Hiện tượng này gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Đa số mọi người bây giờ đều đã có đủ nhận thức và đạo đức để phản đối ý kiến phiến diện cùng việc làm xấu xí ấy. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Tựu chung lại, đối với những người kém may mắn hơn, ta cần đối xử với họ bằng tấm lòng chân thành, yêu thương và thấu cảm. Sự hoàn thiện của mỗi cá nhân đều đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Hãy cùng nhau nâng cao nhận thức, thái độ của cộng đồng để con người được sinh sống và phát triển trong một môi trường tốt nhất.
 

Trình bày suy nghĩ về thái độ đối với người khuyết tật - Bài làm 2

Những con người mang trên mình khiếm khuyết, thiếu sót về ngoại hình hay nhận thức luôn là một phần không thể thiếu của nhân loại. Bằng sức mạnh của bản thân, họ đã tự vực dậy và tỏa sáng rực rỡ. Vì thế, chúng ta cần có cái nhìn và thái độ đúng đắn với người khuyết tật.

Lí do những khiếm khuyết xuất hiện trên cơ thể con người đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là do hậu quả của chất độc màu da cam hay có thể là do di chứng của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Một vài trường hợp là người khỏe mạnh, lành lặn cả về thể chất lẫn nhận thức nhưng lại không may gặp tai nạn, biến cố. Điểm chung ở những người này chính là sự khiếm khuyết về cơ thể, sức khỏe bị suy giảm. Đây là điều mà họ thiệt thòi hơn so với người bình thường.

Để xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh thì thái độ của chúng ta đối với người khuyết tật cũng cần được xác định rõ. Ta có thể cảm thấy may mắn vì bản thân lành lặn, khỏe mạnh, nhưng không được phép chê bai hay chế giễu khuyết điểm của người khác. Ta cần dành cho họ sự tôn trọng nhất định, giúp đỡ họ khi cần thiết. Và hơn hết, ta cần thấu hiểu, đồng cảm và trao đi tình yêu thương. Nhờ đó mà những con người ấy sẽ cảm thấy được ai ủi, bớt đi cảm giác lạc lõng, mặc cảm.

Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn tồn tại khá nhiều quan điểm tiêu cực, hạ thấp và bác bỏ quyền lợi của những người khuyết tật. Đây là một tư tưởng sai lệch, ích kỉ, làm rạn nứt mối quan hệ của cả cộng đồng. Chúng ta cần nhanh chóng bài trừ, lên án tư tưởng độc hại này, đem sự văn minh, tình yêu thương trở lại với xã hội.

Trên thực tế, đã có rất nhiều tấm gương nghị lực, vượt lên giới hạn của mình để chứng tỏ giá trị bản thân. Họ "tàn nhưng không phế", miệt mài cống hiến những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Có thể kể đến nhà khoa học tài ba Stephen Hawking với căn bệnh quái ác khiến ông chỉ có thể giao tiếp qua máy móc. Hay như diễn giả Nick Vujicic tuy không có tứ chi nhưng vẫn trở thành người truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ về sự nghị lực, quyết tâm... Tất cả họ đều đã chứng minh cho thế giới thấy rằng bản thân là người có giá trị, mình có thể thành công bất chấp những trở ngại mà tạo hóa đưa ra.

Tóm lại, con người chúng ta cần có thái độ tôn trọng và yêu thương đối với không chỉ riêng người khuyết tật mà còn với cả cộng đồng. Hãy cùng nhau phát triển xã hội ngày một văn minh và tốt đẹp hơn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây