Bài làm 1:
Trước một tác phẩm truyện, mỗi người đọc có thể có những cảm nhận, quan điểm riêng biệt, những đánh giá khác nhau về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó, hoặc những cách lý giải khác nhau về một nhân vật, tình tiết truyện. Đến với bài nói ngày hôm nay tôi xin chia sẻ quan điểm của tôi trước ý kiến: Để hiểu đúng nhân vật Huấn Cao, có nhất thiết phải biết tường tận về Cao Bá Quát - một nhân vật lịch sử được Nguyễn Tuân chọn làm nguyên mẫu không?.
Trước hết tôi sẽ trình bày lí do vì sao tôi lựa chọn vấn đề này. Thứ nhất, vấn đề mối quan hệ giữa nguyên mẫu và nhân vật trong tác phẩm là một trong nhiều yếu tố cần phải quan tâm khi người đọc tiếp nhận tác phẩm. Liệu có nên đồng nhất nhân vật trong tác phẩm và nguyên mẫu ngoài đời không? Thứ hai, Nguyễn Tuân lựa chọn Cao Bá Quát làm nguyên mẫu xây dựng nhân vật Huấn Cao, vậy sự tương đồng và khác biệt khi hư cấu một nhân vật văn học nằm ở đâu? Liệu có cần phải biết tường tận về một nhân vật lịch sử để lý giải một nhân vật văn học không? Để trả lời các câu hỏi trên, tôi xin phép trình bày một số quan điểm của cá nhân tôi.
Tác phẩm “Chữ người tử tù’ nằm trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940 của Nguyễn Tuân. Xây dựng nhân vật Huấn Cao như một hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương, Nguyễn Tuân đã gửi gắm quan điểm nghệ thuật và nhân sinh sâu sắc qua nhân vật chính này. Huấn Cao hiện lên với tài viết chữ nổi tiếng, với khí phách hiên ngang - là tử tù nhưng rất ung dung, bình thản, thái độ đầy ngạo mạn và khinh bạc trả lời viên quản ngục, luôn bình thản, ung dung chờ đợi cái chết, không chịu khuất phục trước uy quyền; với thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp - không tham quyền, hám lợi mà bán rẻ giá trị của mình, trọng nghĩa khí.
Chữ Cao trong tên của nhân vật gợi nhắc đến tên tuổi của một nhân vật có thật trong lịch sử - Cao Bá Quát, người cũng nổi tiếng với tài viết chữ đẹp. Dân gian có câu “thần Siêu thánh Quát” để ca ngợi hai con người có nét chữ xuất thần. Cao Bá Quát sống vào khoảng thế kỷ 19, là một nhà nho, nhà thơ lớn, “văn võ song toàn”; một vị quan thanh liêm, chính trực, bảo vệ quyền lợi cho dân, cũng là lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, từng bị triều đình bắt giam.
Giữa nhân vật trong “Chữ người tử từ” và nhân vật lịch sử có rất nhiều điểm tương đồng: đều là người có tài viết chữ đẹp, văn võ song toàn, có bản lĩnh, khí phách kiên cường, bất khuất, tính cách ngang tàn. Trong mắt triều đình, họ đều là tên giặc nguy hiểm đã nổi dậy khởi nghĩa, nhưng trong mắt nhân dân, họ là những anh hùng đã đứng lên bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Cả hai đều là những người tôn thờ cái đẹp, Cao Bá Quát chỉ cúi đầu trước nét đẹp thanh tao của hoa mai; Huấn Cao say mê thú chơi chữ tao nhã.
Nhưng giữa nhân vật lịch sử và nhân vật văn học vẫn có một khoảng cách xa, và nhà văn đã dùng tưởng tượng của bản thân để lấp đi khoảng cách đó. Trong tác phẩm “Chữ người tử tù”, Huấn Cao (người tử tù) hiện lên như một người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp qua cảnh ông cho chữ quản ngục. Ở một nơi toàn “phân gián, phân chuột”, mạng nhện giăng đầy, nền ẩm ướt... người cho chữ lại là người tử tù “tay đeo gông, chân vướng xiềng” nhưng tư thế cho chữ thì hiên ngang, lồng lộng. Tuy nhiên, nguyên mẫu trong thực tế - Cao Bá Quát, không được lưu truyền câu chuyện cho chữ nào. Mặc dù chữ của Cao Bá Quát rất đẹp, rất quý, nhưng thực tế không có cảnh cho chữ khuôn mẫu nào ở nhân vật này để Nguyễn Tuân tái hiện. Vì thế, cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” là một sáng tạo độc đáo. Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật quản ngục - một người kính nể, ngưỡng mộ Huấn Cao, biệt đãi Huấn Cao vì muốn được xin nét chữ quý. Nhưng trong lịch sử, trong suốt thời gian dài bị giam cầm, Cao Bá Quát thường chịu nhục hình tra tấn.
Từ con người đời thực là Cao Bá đến con người trong văn học Huấn Cao là một sự sáng tạo của Nguyễn Tuân, là sự bù đắp của nghệ thuật vào phần thiếu hụt của cuộc sống. Tìm hiểu thêm về Cao Bá Quát để thấu hiểu được một thời “vang bóng”, con người “vang bóng” mà Nguyễn Tuân tôn sùng là thời đại nào. Nhưng nếu rập khuôn nguyên mẫu vào nhân vật văn học, thì rất nhiều điểm chênh sẽ hiển lộ ra. Vì thế, tôi cho rằng khi tìm hiểu về Huấn Cao, có thể tìm hiểu về Cao Bá Quát, nhưng không nên áp đặt toàn bộ những tư liệu đó vào việc lý giải nhân vật.
Bài làm 2:
Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật luôn vươn tới cái Chân - Thiện - Mỹ - văn học là một trong bảy loại hình nghệ thuật, phản ánh cuộc sống, xây dựng hình tượng nghệ thuật bằng ngôn từ cũng không nằm ngoài sự phản ánh ba tiêu chí trên. Muốn như vậy, văn học phải gắn với hiện thực xây dựng, phản ánh trung thực cuộc sống nhưng không phải là sự sao chép y nguyên mà phải có sự nhào nặn, hư cấu để làm rõ tính cách của nhân vật và tư tưởng của tác giả kí thác vào tác phẩm đó. Đây cũng là đặc trưng của văn học. Đặc trưng này đã giúp các nhà văn thế giới nói chung và nhà văn Việt Nam nói riêng có rất nhiều thành công trong lĩnh vực xây dựng nhân vật văn học từ nguyên mẫu cuộc sống: M. Gorky, Anh, Đức, Nguyên Ngọc … trong bài viết này tôi đề cập tới một nhân vật yêu cái Đẹp mang cái Tài, cái Tâm - Thiên Lương cao cả - kẻ tử tù nhưng mãi sống trong lòng người đọc đó là nhân vật Huấn Cao trong văn phẩm “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyên Tuân được xây dựng từ nguyên mẫu danh Nho Cao Bá Quát thế kỷ XVIII.
Nguyên mẫu và nhân vật văn học có những đặc điểm chung tương đồng - nguyên mẫu là cơ sở, là nền tảng, chất liệu để người nghệ sĩ bằng tài năng nghệ thuật của mình, bằng bàn tay và khói óc tạo nên cho mình một tác phẩm hình tượng nghệ thuật riêng. Bằng ngôn ngữ của riêng mình làm cho đứa con tinh thần của mình có sức sống mãnh liệt. Tuy nhiên, nguyên mẫu và nhân vật văn học cũng có điểm khác nhau: Có nhiều điểm ở nguyên mẫu có nhưng không thể đưa vào nhân vật văn học được bởi vì lý do và có những chi tiết có ở nhân vật văn học lại không tìm thấy ở nguyên nhân. Điều này, thể hiện nghệ thuật hư cấu tưởng tượng trong trang viết của tác giả. Sự hư cấu nhằm làm cho nhân vật của tác giả trở thành chỉnh thể nghệ thuật, chân lý, thước đo thẩm mỹ trong văn học và làm cho con người thực trở nên hoàn mỹ hơn. Do vậy, yếu tố nguyên mẫu cuộc sống và yếu tố hư cấu văn học có mối quan hệ khăng khít nhau, bổ sung cho nhau tạo nên vẻ đẹp cuộc sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân - nhà văn duy mĩ lại lấy nguyên mẫu Cao Bá Quát để tạc nên một Huấn Cao vừa yêu cái Đẹp lại có cái Tài và cái Tâm. Bởi nhà văn có thể xây dựng nhân vật của mình bằng cách không dựa vào nguyên mẫu mà có thể tổng hợp từ nhiều con người trong đời sống để xây dựng nền nhân vật điển hình cho các tiêu chí nghệ thuật đề ra và cái Tài của Nguyễn Tuân có thể giúp ông thành công rực rỡ ở sự sáng tạo tưởng tượng ấy. Nhưng ở đây Nguyễn Tuân đang giúp chúng ta tìm về cội nguồn của cái Đẹp xuất phát từ những con người có khí phách trong hiện thực cuộc sống. Bằng sự sáng tạo tưởng tượng của mình ông đã cung cấp cho độc giả thấy được mối quan hệ sâu sắc của yếu tố nguyên mẫu với yếu tố hư cấu của nhân vật cho ta thấy được bóng dáng thật, con người thật Cao Bá Quát qua nhân vật Huấn Cao đồng thời làm cho hình tượng Huấn Cao trở nên sinh động hơn, thật hơn và bản chất của ông nổi rõ hơn, đời sống được tập trung hơn.
Thâm nhập vào tác phẩm, ta mới từng bước khám phá ra cái tài của Nguyễn Tuân trong việc xây dựng nhân vật từ nguyên mẫu. Tất nhiên một người như Nguyễn Tuân không có chuyện bê nguyên Cao Bá Quát đặt vào “Chữ người tử tù” mà ông đã phải lọc đi và pha vào một số “dung môi” chi tiết khác để tạo nên một Huấn Cao của riêng mình.
Sự thành công trong việc xây dựng nhân vật Huấn Cao của Nguyễn Tuân, là sự bù đắp của nghệ thuật vào phần thiếu hụt của cuộc sống nó làm cho Huấn Cao sống mãi trong lòng người đọc và cũng sáng mãi danh Nho Cao Bá Quát - Bản thân, việc làm tài nhân của Cao Bá Quát khiến nhân dân tôn thờ ngày càng ngày từ trong cuộc đời thường - một con người thực giữa cuộc đời giờ lại được hóa thân vào văn học - loại hình nghệ thuật ngôn từ xây dựng một tượng đài Cao Bá Quát bằng đặc trưng riêng của mình. Cuộc sống và nghệ thuật cách nhau không xa nên người ta biết sử dụng và chế tác tư liệu sống dựa vào nghệ thuật.
Từ con người của đời thực Cao Bá Quát đến con người trong văn học Huấn Cao là cả một sự nhào nặn, sáng tạo ngth của Nguyễn Tuân. Phải chăng Nguyễn Tuân có tình cảm vô cùng sâu đậm, tôn kính Cao Bá Quát thì mới vận bút lực của mình để xây dựng nên Huấn Cao - con người vừa có cái Đẹp, vừa có cái Tài, cái Thiên Lương cao cả? Sáng tạo nhân vật Huấn Cao từ Cao Bá Quát là Nguyễn Tuân đang trở về tìm lại cội nguồn của cái Đẹp nay chỉ còn trong quá vãng, đồng thời ông muốn kí thác tâm sự, tư tưởng tình cảm của mình đối với một vị danh nho ở thế kỷ XVIII qua nhân vật của mình. Có thể nói đây là quà tinh thần mà Nguyễn Tuân thay mặt lớp hậu thế dâng lên trước vong linh Cao Bá Quát - con người trượng nghĩa.