Việt Nam, ngày rộng tháng dài năm bao la
Thư gửi người vô cảm!
Tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, nơi ấy người dân quê tôi làm quần quật quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ ăn mà thôi. Mặc dù sống trong cảnh bần hàn, khó khăn là thế, nhưng con người sống với nhau rất có tình có nghĩa. Xóm làng yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đó cũng là nơi đã cho tôi tuổi thơ tươi đẹp, ngọt ngào. Có thể nói, tôi sinh ra trong sự yêu thương của gia đình và lớn lên trong sự đùm bọc, ấm áp tình làng nghĩa xóm.
Năm 18 tuổi lần đầu tiên tôi xa nhà, xa quê hương thân yêu để bước vào giảng đường đại học, trường tôi nằm trên một thành phố rất lớn. Tôi như lạc lõng giữa thành phố phồn hoa đầy náo nhiệt. Nơi mà mọi người dường như đang mắc chung một căn bệnh đó là căn bệnh lãnh cảm tâm hồn hay còn gọi là “bệnh vô cảm”
Thành phố nơi tôi sống và học tập đang phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế... Có lẽ sự phát triển như vũ bão này khiến cho thái độ sống của con người với nhau trở nên xa lạ. Bởi guồng quay cuộc sống kéo họ vào những bận rộn, hối hả đời thường. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành.
Chiều nay khi đi trên phố, tôi thấy có một vụ tai nạn trên đường, người đàn ông bị thương hai chân ướt đẫm máu. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn hết là thái độ của mọi người xung quanh khiến tôi khựng lại trong giây lát…thay vì giúp đỡ người bị nạn thì mọi người lại dửng dưng đứng nhìn, một số bạn trẻ trạc tuổi tôi thì rút điện thoại vừa quay video đăng facebook rồi cười cười nói nói...
M.Go-rơ-ki đã nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình người” Đó mãi mãi là câu nói bất hủ của mọi thời đại cho mọi dân tộc trên thế giới. Tôi cần, bạn cần, tất cả mọi người đều cần tình yêu thương.
Xã hội càng ngày càng phát triển, thành phố ấy được tiếng là văn minh nhưng con người tại sao càng ngày càng lãnh cảm. “Một xã hội vô cảm sẽ là một xã hội chết - cái chết trước hết từ tâm hồn!”. Có thể chúng ta sẽ cho rằng, câu nói này hơi phóng đại quá, nhưng tôi cho rằng, đây là một sự cảnh báo hết sức cần thiết, đặc biệt khi chúng ta đang chứng kiến rất nhiều hiện tượng đau lòng từ bệnh vô cảm.
Truyền thống của dân tộc ta là “tương thân, tương ái”; “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Song đáng lo ngại, bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay đang làm phai mờ những truyền thống tốt đẹp đó. Mọi hành vi của cái ác, sự ích kỷ, cuối cùng đều phải chịu hậu quả. Mọi biểu hiện của cái thiện, lòng tốt đều được đền đáp. Tuy nhiên, mỗi người khi làm được việc tốt, chưa nói đến sự đền đáp, thì ngay lập tức đã có được niềm vui cho chính bản thân mình và mang niềm vui cho cả xã hội.
Chúng ta cần lên án thói xấu vô cảm, sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, hay nhiều khi chỉ do thói quen hùa theo đám đông mà người ta bỗng dưng đánh mất bản thân, tính bản thiện trong mỗi người. Mong sao, hiện tượng vô cảm chỉ là những vụ “con sâu làm rầu nồi canh”, để nó sẽ là những bài học cảnh tỉnh, trực quan giúp mỗi người tự soi xét lại mình, cùng xây dựng lối sống hướng thiện, chung tay dựng xây xã hội, cộng đồng tốt đẹp, nhân văn... Để làm được điều đó, đầu tiên chúng ta cần phải loại bỏ tính vô cảm của con người trong xã hội. Nhất là 1 lớp thế hệ trẻ có suy nghĩ lệch lạc về đạo đức như hiện nay.