"Bức thư gửi người lớn"
Rất nhiều lần con muốn nói ra nhưng không thể. Con đã nghĩ rằng sẽ không bao giờ thực hiện được nhưng đến hôm nay, con đã quyết tâm viết bức thư này mặc dù biết rằng sẽ là rất khó.
Đã từ lâu rồi con muốn nói với mọi người rằng con sợ hai chữ “giàu” và “nghèo” lắm.
Con sợ “nghèo” vì nghèo là đói, nghèo là khổ, nghèo là thiếu thốn, nghèo là bất hạnh… Con không bao giờ tưởng tượng được nếu một ngày mình cũng bị đẩy ra đường, bơ vơ và lạc lõng. Con sẽ ăn gì đây? Con sẽ ngủ ở đâu? Con sẽ cười với ai, nói với ai? Chỉ nghĩ đến vậy thôi con đã run lên rồi. Con sợ vô cùng khi người ta gọi con là “đứa bé nghèo’. Rồi người ta sẽ khinh bỉ con, người ta sẽ đánh đuổi con và rồi làm những gì nữa con cũng không thể biết được. Nghèo là hèn phải không ạ?
Nhưng rồi một ngày con nhận ra rằng mình cũng sợ cả chữ “giàu” nữa. Giàu là con sẽ được ăn no mặc đẹp, con được vui chơi, được cười, được nói. Nhưng giàu cũng có nghĩa là lúc con được “coi thường” cái gọi là “nghèo”. Con sẽ được quyền nhìn họ với ánh mắt khinh bỉ, được mỉa mai họ, được châm biếm họ… Con và họ sẽ ở hai đẳng cấp khác nhau, con sẽ tránh xa họ và họ đừng bao giờ hi vọng có thể làm bạn của con. Đến lúc ấy con sẽ chẳng khác gì mụ phù thủy độc ác, sẽ chẳng khác gì Cám bắt nạt cô Tấm, sẽ chẳng khác gì những bà chị của cô bé Lọ Lem… Con sẽ biến thành người xấu mất thôi. Con sợ, con sợ lắm…
Tại sao lại vậy? Tại sao lại để con thấy cách mọi người đối xử với những đứa trẻ nghèo? Cách mà người giàu hắt hủi chúng?
Con chỉ muốn giật lại khi mẹ kéo con đi vì con muốn chi đứa bé đánh giày một que kem. Con muốn gào thật to khi thấy kẻ giàu vứt vào mặt đứa trẻ ấy đồng 500 cùng cái bĩu môi, lườm nguýt. Con thậm chí muốn “đánh” những trẻ con nhà giàu cướp phá đồ của một bé gái lang thang. Con muốn đưa tay ra để nắm tay chúng. Con muốn rủ chugns cùng chơi, muốn trông thấy chúng được ăn no, chúng được mặc đẹp. Con muốn được nói ra nhưng rồi lại sợ người lớn sẽ cho răng: “trẻ con thì biết cái gì”, “người lớn nói thì là phải nghe”. Chỉ muốn nói thôi sao mà khó đến thế?
Cái thế giới “giàu” và “nghèo” mà những người lớn đang tạo ra sao độc ác đến thế. Khoảng cách ấy ngày càng rộng. Tại sao? Những đứa trẻ dù nghèo thì cũng là trẻ em. Chúng đã được sinh ra trên đời cũng cần được nâng niu, cần được chăm sóc. Chúng cũng cần tình thương, cần sự quan tâm. Chúng cũng sẽ giỏi lắm nều như được đến trường. Chúng cũng sẽ đẹp lắm nếu được ăn no, mặc ấm. Chúng sẽ chẳng khác gì con nếu như được sinh ra có bố, có mẹ, có tình yêu. Nhưng tiếc rằng ông trời đã không công bằng. Ông ấy không cho chúng thoát khỏi kiếp “nghèo” độc ác. Nhưng chúng đâu có tội. Chúng vẫn còn bé lắm mà…
Trẻ em là tương lai của mỗi dân tộc, quốc gia?
Hăng ngày con vẫn nghe đài báo nói vậy. Nhưng có điều họ không nói cuối câu là dấu chấm hay là dấu hỏi? Họ quên hay chính họ cũng không biết? Vì nếu họ biết đó là dấu chấm thì tại sao trẻ em vẫn nghèo, vẫn thất học; tại sao trẻ em vẫn không đủ ăn, đủ mặc; tại sao trẻ em vẫn bị phân biệt đối xử như vậy. Nếu trẻ em là tương lai thì sao lại để tương lai đen tối và mịt mù đến thế?
Dẫu là người lớn thì đều đã từng là trẻ con vậy mà sao họ vẫn thờ ơ quá. Chắc rằng khi còn nhỏ họ cũng muốn được yêu thương, cũng muốn được đùm bọc, họ cũng sẽ có những suy nghĩ giống trẻ con bây giờ. Nhưng khi lớn lên thì họ đã quên hết. Họ quên thật hay giả vờ con không biết nhưng dù sao thì cũng đáng trách.
Nếu con có quyền được thay dổi thì điều đầu tiên mà con muốn làm là xóa bỏ khoảng cách của hai chữ “giàu” và “nghèo”, cụ thể hơn là “trẻ em giàu” và :trẻ em nghèo”. Con mong người lớn hãy giúp chúng con xóa bỏ khoảng cách ấy. Đừng nhìn ai bằng ánh mắt coi thường hay thương mại mà hãy là sự cảm thông, chia sẻ.
Điều thứ hai đó là hãy lắng nghe chúng con muốn nói gì. Nhưng đừng chỉ lắng nghe bằng đôi tai mà hãy lắng nghe bằng cả trái tim và tấm lòng. Tại sao những người làm cha làm mẹ không tham gia một khóa học: “làm sao để lắng nghe con trẻ nói gì” nhỉ?
Con cũng mong ở mọi miền đất nước sẽ có thật nhiều, thật nhiều trườn học. nhưng những ngôi trường đó sẽ không chỉ trang bị cho trẻ em kiến thức mà còn mang cho chúng một mái nhà, có cha, có mẹ, có niềm vui và hạnh phúc. Chúng sẽ được dạy dỗ, được chăm sóc bằng tình thương, lòng nhân ái, bao dung. Rồi cũng từ đó chúng sẽ trở thành những người công dân có ích.
Con biết rằng bàn tay của chúng con còn nhỏ bé lắm. con chỉ mong tất cả mọi người hãy cùng dang rộng vòng tay, cùng mở lòng yêu thương, chăm lo cho trẻ em – tương lai của đất nước.
Con xin chân thành cảm ơn vì mọi người đã nghe con dù chỉ là một lần duy nhất!
Trần Vương Cường
(SN: 27/4/1994; Học sinh lớp 11 Tin, trường THPT Sơn Tây, TX. Sơn Tây, Hà Nội)