Trong mỗi gia đình, mỗi con người, trong mỗi năm, mỗi ngày đều có nhiều sự việc làm ta bận tâm, lo lắng, mong cho việc ấy được suôn sẻ, tốt đẹp. Chính vì thế mà người ta luôn luôn cầu an cho mọi sự tốt lành. Để cầu an người ta có thể đến đền chùa lễ phật, hoặc rước thầy cúng về nhà tụng kinh niệm phật, hoặc đi xem bói, xem thầy ứng, ... rồi tuỳ theo cách hoá giải của thầy mà gia chủ phục tùng làm theo. Kinh phí cho mỗi lần cầu an dao động khoảng 500 ngàn đến vài triệu đồng, tuỳ điều kiện kinh tế, tuỳ sự bất an mà gia chủ có thể bỏ ra số tiền nhiều hay ít.
Nhiều người ỷ lại ta đã cầu an rồi, chắc chắn mọi việc sẽ tốt đẹp nên làm việc gì cũng không cần tính toán, suy nghĩ an tâm mà làm. Do vậy đến khi xảy ra chuyện mới than trách rằng: Đã cầu an rồi sao vẫn đầu không xuôi, đuôi không lọt?
Một số người tuy đã cầu an, nhưng tâm trạng luôn luôn lo lắng, không biết là lễ vật như vậy đã đủ chưa, có thiếu sót gì không? Đến ngày đó, tháng đó, liệu có xảy ra sự việc như thầy đã phán? Chính vì tâm trạng luôn lo lắng những điều như vậy nên thường mất ăn, mất ngủ, tâm lý thất thường,... Cuối cùng cầu rồi mà chẳng an được!
Trong cuộc đời, dài cũng không dài, ngắn cũng không ngắn nhưng chuyện xảy ra thì vô vàn, vô kể. Đức Phật nói: “Đời là bể khổ”, “tất cả thế gian đều chỉ là huyễn mộng, là không”, là con người đều khó tránh khỏi sinh - lão - bệnh - tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thịnh khổ, ... chỉ có tu mới đến cõi sung sướng, cõi niết bàn được. Vậy nếu ai cũng tu thì lấy người đâu để duy trì giống nòi? Tu ở đây không phải là quy y cửa Phật mới là tu, tu là giữ tâm mình trong sạch, rũ bỏ hỉ nộ ái ố, ganh đua, ganh ghét, tham sân si hận, ... không làm việc ác, không hại người, hại vật, ...làm một người hiền lương, nhân hậu. Đấy mới là cái đích của việc tu.
Việc trong xã hội, trong nhân gian thì nhiều vô số kể, không thể nào cân đo đong đếm được. Nhưng có thể tóm gọn trong hai chữ: Tình và Tiền mà thôi. Trong đời sống của mỗi người không thể nào có êm ấm, yên bình, tốt mãi được mà sẽ có chuyện này, chuyện nọ, ... chuyện xấu chuyện tốt đan xen nhau. Người có tâm vững vàng sẽ chấp nhận nó mà bước tiếp, người có tâm xao động sẽ than trời oán đất nhưng cuối cùng có giải quyết được gì đâu, trái lại làm cho mình thêm bệnh.
Đối với việc xấu ta gặp phải hãy mỉm cười chấp nhận, bình tâm suy xét. Đối với người xấu ta gặp, hãy cảm thông tha thứ, tránh xa. Đừng tranh hơn với người thô lỗ, đừng ganh đua với kẻ bất cần, đừng thù hằn với người thân thích. Giữ tâm như núi, nhận phần thua thiệt về mình. Làm được điều ấy tốt hơn gấp trăm lần bạn đi cầu, đi rước thầy cúng bái, giải hạn, giải khô, ...
Vậy có nên cầu an chăng? An hay không an là do ở cái “tâm” của chính mình mà thôi! Tâm chân thật thì tiền tài sẽ tới, sống có đức thì phước sẽ tự đến:
Chân tâm tài tất đáo, hữu đức phúc tự lai