Nhẫn Nhịn là một thứ trí tuệ sinh tồn. Nhịn nhục để hóa giải tình thế hiểm nguy khi đối diện vào giờ phút khó khăn, nhằm tìm con đường sống, sau đó gặp cơ hội, gặt hái được thành công.
Hàn Tín có thể nhịn được nỗi nhục của Khóa Hạ để cuối cùng trở thành Chư hầu. Trong số những người có thể nhịn nhục để cầu sống, mưu đồ việc lớn còn phải kể đến vua nước Việt là Câu Tiễn.
Bản thân ông rất hiểu rõ rằng tình hình trước mắt chỉ còn biết nhịn nhục mới có khả năng một ngày nào đấy được “trở về nắm quyền”; nếu không nhịn, đến ngay cả mạng sống chưa hẳn được bảo đảm.
Câu Tiễn khi làm vua nước Việt, vua nước Ngô là Hợp Gian tới đánh. Câu Tiễn đánh bại Hợp Gian, vua Ngô là Phù Sai con Hợp Gian lên nắm quyền. Vì, muốn thay cha báo thù, Phù Sai sai Ngũ Tử Tư làm đại tướng, Bá Đích phó tướng, dốc toàn bộ tinh binh trong nước đánh bại nước Việt. Câu Tiễn không còn đường thoát bèn chạy chọt Bá Đích để đạt được hòa giải.
Điều kiện hòa giải là Câu Tiễn và vợ tới nước Ngô làm nô bộc, đi cùng còn có đại phu Phạm Lãi. Vua Ngô Phù Sai bắt vợ chồng Câu Tiễn tới cạnh mộ của cha mình để chăn ngựa. Đó là một ngôi nhà đá rách nát, mùa đông giống như động tuyết, mùa hè như lò hấp. Vợ chồng Câu Tiễn và đại phu Phạm Lãi sống ở đây suốt ba năm. Hàng ngày ngoài cơ thể dính đầy đất và phân ngựa, khi Phù Sai rời khỏi cửa, Câu Tiễn còn phải dắt ngựa cho ông. Mỗi khi đi qua đám đông nhiều người rì rầm chế giễu: “Trông kìa, người dắt ngựa kia chính là vua nước Việt đó!”.
Câu Tiễn từ vua một nước biến thành nô bộc chăn ngựa cho người khác, rất giỏi nhịn nhục, ngay cả việc nếm phân của vua Ngô. Hành động này của Câu Tiễn chủ yếu lấy được lòng tin của vua Ngô. Vua Ngô thấy Câu Tiễn thực đã quy thuận theo mình nên phóng thích ông.
Mức độ nhịn nhục của Câu Tiễn qua sự kiện này quả là người bình thường không thể nào làm được. Sở dĩ ông có thể cắn răng chịu đựng mọi nỗi ô nhục đó là vì mục tiêu quật khởi ngày sau. Chỗ sáng suốt cao vời của Câu Tiễn chính nằm ở đây. Đối diện với mọi nỗi ô nhục, nét mặt vẫn thản nhiên như không, bởi vì bản thân ông rất rõ, tình hình trước mắt chỉ có thể nhịn nhục mới có khả năng ngày sau về nắm lại quyền hành.
Điều này dường như đi ngược lại với hình mẫu đại trượng phu, trong truyền thống Trung Hoa, “Thà làm ngọc vỡ, chứ không làm ngói lành”, “Đại trượng phu thà chết chứ không chịu bị làm nhục”. Đó đều là những lời khen ngợi về khí tiết anh hùng. Đương nhiên những quan niệm này khiến ta tấm tắc khen ngợi. Song, Trung Quốc còn có một câu tục ngữ dạy con người về cách xử thế là: “Giữ lại núi xanh, chẳng lo thiếu củi đốt”.
Như Tây Sở Vương đầu đội trời chân đạp đất, để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ sâu sắc. Bên bờ sông Ô, trưởng trạm sông Ô nhiệt tình chào hỏi ông: “Giang Đông tuy nhỏ, đủ để cho đại vương xưng vương xưng bá, sau này cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn”. Còn Hạng Vũ là trang Hán tử bẻ uốn không cong, đâu có chịu qua sông? Rồi tự vẫn bỏ mạng. Nếu Hạng Vũ chịu vượt sông, Hán Sở tiếp tục giao tranh ắt sẽ có một kết quả khác. Nên chúng ta thừa nhận Hạng Vũ là một anh hùng đầu đội trời chân đạp đất song nhiều lúc cần có sự nhịn nhục để giành lấy thành công.
Suy xét từ con đường xưng bá của Tấn Văn Công và Câu Tiễn, mặc dù sự trải nghiệm có khác nhau, nhưng đều có chung một điểm, đó là sự kiên nhẫn, có thể chịu đựng gian khó. Tấn Văn Công lưu vong 19 năm, chịu bao dày vò, kiếp nạn. Câu Tiễn làm nô lệ ba năm. Họ đều nhịn nhục, gắng gượng, bởi vậy đều thành công. Xem ra tính cách nhẫn nại, nhịn nhục cũng cần thiết để đi đến vinh quang.