Câu chuyện thực sự gây sự xúc động cho bao thế hệ độc giả Việt Nam trước đây, hôm nay mà còn cả ngày mai bởi tính hiện thực và sự nên thơ của nó.
Theo chân nhân vật bác Ba, chúng ta hãy đến với gia đình ông Sáu ở miền Đông Nam Bộ những năm đầu của thập kỉ 60, thế kỉ XX. Ông Sáu “thoát li đi kháng chiến đầu năm 1946” lúc đứa con duy nhất của anh chưa đầy một tuổi. Vợ chồng chỉ được gặp nhau trong những thời khắc ngắn ngủi khi vợ đi thăm ông. Khi bé Thu – con gái ông Sáu tròn tám tuổi nhưng ông chưa bao giờ được gặp mặt con, chỉ được nhìn con qua tấm ảnh nhỏ. Lúc được nghỉ phép về thăm nhà, ông Sáu khao khát được gặp con gái, ông chỉ “mong được nghe một tiếng gọi ba của con bé”. Tuy nhiên ước muốn tưởng dễ dàng, bình thường ấy lại không hề đơn giản chút nào bởi “con bé chẳng bao giờ chịu gọi”. Bởi chiến tranh, chiến tranh đã để lại vết thẹo dài bên má ông Sáu, đã làm cho cha em không giống trong hình chụp chung với mẹ nên em không nhận ra.
Sự xung khắc giữa hai cha con trong những ngày ông Sáu thăm nhà có nguồn gốc từ đây. Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, đất nước ta phải chia làm hai miền, một lần nữa gia đình ông Sáu lại li tán. Không ai có thể ngờ lần về thăm nhà này lại là lần cuối cùng đoàn tụ của gia đình ông. Xa vợ, xa con, ông Sáu ra đi mang theo lời hứa làm tặng cho con gái bé bỏng chiếc lược ngà. Trong lòng ông không nguôi niềm mong ước được gặp lại con mình. Nhưng mọi cố gắng của người cha không vượt qua nổi sự khắc nghiệt của chiến tranh. “Trong một trận càn của Mĩ- Nguỵ, anh Sáu bị hy sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực”. Niềm mong mỏi gặp lại đứa con gái yêu dấu của mình chấm hết. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Ông đã không còn cơ hội tận tay trao cho con cây lược ngà - cây lược chứa đựng tình yêu thương tha thiết.
Nhập vai vào người chứng kiến, tác giả dẫn dắt người đọc đi từ đầu đến cuối câu chuyện với một niềm “xúc động ngậm ngùi”. Bài ca về tình phụ tử trong Chiếc lược ngà đã làm cho bao thế hệ người đọc rơi nước mắt. Câu chuyện diễn ra như một màn kịch cổ điển có mở đầu, diễn biến, có thắt nút... làm cho người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và cũng chính ở đây, chúng ta được chứng kiến một Nguyễn Quang Sáng rất sâu sắc, tinh tế trong nghệ thuật khắc hoạ tâm lí nhân vật. Đọc câu chuyện khó có thể nào phân biệt nổi đâu là cái tài của tác giả, đâu là cái thật của câu chuyện. Các tình tiết, diễn biến cứ liên tiếp mở ra dưới ngòi bút của tác giả như chính nó có trong đời thực.
Lần về thăm nhà, chuẩn bị cho một chuyến đi xa “cái tình người cha cứ nôn nao trong anh”. Rồi “không thể chờ xuồng cập bến, anh nhún chân nhảy thót lên… bước vội vàng với những bước dài”. Những bước chân của nỗi nhớ mong khắc khoải. Những bước chân của sự yêu thương. Chỉ thế thôi ta đã hiểu được sự nóng lòng gặp con của ông đến mức độ nào. Tình cha trong ông Sáu dường như đã truyền sang người kể chuyện, ông đoán “chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh”. Chúng ta hãy theo dõi động tác của ông Sáu: “vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con”. Đọc đến đây chắc tất cả các bạn đều nghĩ bé Thu sẽ chạy lại ôm chầm lấy người cha đã xa cách bấy lâu nay. Nhưng không, “con bé giật mình, tròn mắt nhìn…ngơ ngác lạ lùng”. Ông Sáu đứng sững lại trước thái độ sợ hãi của con gái. Một cú sốc thật sự làm trái tim của người cha bị tổn thương. Từ xúc động, ông Sáu chuyển sang đau đớn và thất vọng.
Ba ngày ngắn ngủi trong gia đình, vợ chồng anh Sáu đã làm tất cả để cái tình cha con được thắp lên. Tuy nhiên, dường như mọi người càng cố gắng bao nhiêu thì khoảng cách giữa ông Sáu và đứa con gái duy nhất lại càng xa cách bấy nhiêu. Mâu thuẫn của câu chuyện ngày càng được đẩy dần lên cao. Người cha chỉ có một mong muốn duy nhất là có được một tiếng gọi “ba”, nhưng con bé nhất định không chịu gọi. Nghe mẹ giục gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo: “Thì má cứ kêu đi”. Khi bắt buộc phải gọi thì sự đáp lại của con bé là những lời trống không: “Vô ăn cơm”, “Cơm chín rồi”, “Con kêu rồi mà người ta không nghe”. Hai tiếng “người ta’’ mà Nguyễn Quang Sáng dùng rất đúng chỗ không chỉ làm cho ông Sáu mà rất nhiều độc giả phải buông tiếng thở dài buồn bã.
Thế rồi bé Thu bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn, nồi cơm hơi to so với một đứa bé tám, chín tuổi, lại đang sôi. Để hoàn thành nhiệm vụ mà mẹ giao không thể không cầu cứu người trợ giúp. Phải chăng bị dồn vào tình thế khó khăn ấy, cô bé sẽ thay đổi thái độ. Nhưng vẫn chỉ là những câu nói “trổng’’ vang lên: “Cơm sôi rồi, chắt nước dùm cái! Cơm sôi rồi, nhão bây giờ!”. Hình ảnh bé Thu lúc này thật tội nghiệp “nhìn xuống, hơi sợ, lại nhìn lên… nhăn nhó muốn khóc… luýnh quýnh… loay hoay’’. Thật là bất ngờ, Thu đã tự mình giải quyết khó khăn bằng cách “lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ’’. Cô bé đáo để và bướng bỉnh thật phải không các bạn? Tình cha con mỗi lúc càng xa cách hơn.
Đỉnh cao của mâu thuẫn là bữa ăn của gia đình ông Sáu. Một bên là người cha “gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén’’ cho con; một bên là người con “lấy đũa soi vào chén… bất thần hất cái trứng cá ra, cơm văng tung toé cả mâm’’. Tình cảm sâu nặng của người cha bị người con từ chối một cách thẳng thừng. Đây chính là giọt nước làm tràn li, ông Sáu “vung tay đánh’’ con, còn Thu, cô bé cứng đầu ấy không khóc mà “ngồi im, đầu cúi gằm xuống…cầm đũa, gắp lại cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm’’ sang bên nhà ngoại.
Là người trong cuộc ông Sáu tưởng như không còn hy vọng có được tình cha con trong lần về thăm nhà ngắn ngủi này. Ông lại sắp phải rời gia đình để ra tiền tuyến. Nhưng không, người xưa đã từng nói “phụ tử tình thâm’’, người đọc không thể mất hy vọng, ông Sáu vẫn có quyền hy vọng. Và tình cha con của ông đơm bông đúng vào khoảnh khắc ngắn ngủi nhất, bất ngờ nhất, đem lại cho người đọc nỗi xúc động nghẹn ngào nhất. Bé Thu cũng có mặt trong buổi đưa tiễn ấy, nhưng lại mang tâm trạng hoàn toàn khác “không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu” và cái nhìn cũng khác “đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa’’.
Nó đã hiểu mọi việc nhờ lời bà ngoại giải thích. Tình cảm của cô bé đã có sự đổi thay. Đó là nỗi khao khát tình cha con bấy lâu nay bị kìm nén trong bé Thu bỗng bùng lên, phát ra thật tự nhiên. Bắt đầu là tiếng thét gọi “Ba…a…a…ba!”. Tiếng thét như xé lòng tất cả mọi người. Đó là tiếng gọi mà cô bé đã để giành, đã ấp ủ bấy lâu nay, giờ mới được gọi. Rồi “nó vừa kêu vừa chạy xô tới… dang tay ôm chặt lấy cổ ba nó”, “nó nói trong tiếng khóc: Ba! Không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con!” rồi “nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa’’. Cũng chính vết thẹo đó mà nó đã không nhận ba nó. Tất cả hành động của bé Thu thật gấp gáp, dồn dập khác hẳn với sự lạnh lùng của cô bé lúc đầu.
Tình cảm cha con của ông Sáu không hề mất đi dẫu có bị chiến tranh làm tổn thương, trái lại nó sẽ còn làm xúc động bao trái tim người đọc. Ai đã từng đọc Chiếc lược ngà không thể không xúc động rơi nước mắt như những người chứng kiến cuộc chia li ấy. Cả hai cha con không thể ngờ được rằng đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của họ.
Ông Sáu ra đi, mang theo hình ảnh vợ con, với lời hứa mang về cho con gái chiếc lược ngà cùng với nỗi ân hận day dứt “sao mình lại đánh con” cứ giày vò ông mãi. Sau năm 1954, ông Sáu không tập kết ra Bắc, ông nhận nhiệm vụ mới ở lại miền Nam “nằm vùng” hoạt động bí mật. Trong những ngày ở rừng, ở cứ bị giặc truy lùng triền miên. Thiếu gạo phải ăn bắp. Gian khổ và nguy hiểm. Cái chết bủa vây cuộc chiến đấu thầm lặng. Ông Sáu vẫn không nguôi nhớ vợ con. Ông đã biến vỏ đạn 20 li của giặc Mĩ thành chiếc cưa nhỏ, đã tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo như một người thợ bạc chế tác khúc ngà voi thành một chiếc lược ngà xinh xắn có dòng chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Chiếc lược ngà với dòng chữ ấy mang theo bao tình cảm sâu nặng của người cha đối với đứa con bé bỏng.
Tình thương con của ông Sáu thật vô cùng tha thiết. Chiếc lược ngà như một vật kí thác thiêng của người lính về tình phụ tử sâu nặng mà bom đạn quân thù không thể nào tàn phá được. Chính vì thế, khi bị trúng đạn máy bay Mĩ bắn vào ngực, lúc hấp hối, ông “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho bạn, nhìn bạn hồi lâu rồi tắt thở... Ông Sáu đã hi sinh. Nhưng “tình cha con là không thể chết được”. Cây lược ngà, kỉ vật mà anh Sáu đã dành bao tâm sức, chất chứa bao tâm sự với con cuối cùng đã trở về với đứa con gái yêu dấu theo đúng lời hẹn ước. Đó cũng là một minh chứng hùng hồn cho tình cha con bất tử. Thời gian trôi đi, bé Thu ngày nào đã trở thành cô giao liên dũng cảm, tiếp tục con đường cách mạng của ba mình.
Các nhà nghiên cứu đều nhận xét rằng cảnh vật, con người và nhịp sống trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng đậm đặc màu sắc Nam Bộ. Qua Chiếc lược ngà chúng ta thấy rõ điều đó. Câu chuyện là một bài ca về tình phụ tử sâu nặng, tình đồng đội thiết tha trong cảnh ngộ éo le thời chiến tranh của người nông dân Nam Bộ.
Chiếc lược ngà với dòng chữ mãi mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, về bi kịch của chiến tranh. Câu chuyện đã kết thúc nhưng dư âm của nó về tình cha con bất tử vẫn còn thổn thức bao trái tim người đọc. Qua câu chuyện chúng ta có thể khẳng định: vượt qua bi kịch, phụ tử bao giờ cũng tình thâm.