BÀI LÀM
Có một ngày, trời bỗng xanh tươi, nắng bỗng tươi hơn và mưa rì rào chia tay những đêm cuối hạ: thu sang! Đất trời như chuyển mình thay áo mới. Có một chiếc áo mùa thu chưa bao giờ nhạt màu “mơ phai” huyền thoại.
Có một chuyến đò còn mãi bâng khuâng giữa đất trời se lạnh của những ngày chớm thu. Thơ Xuân Diệu dường như mỗi câu mỗi chữ đều đế lại trong lòng ta những ân tượng đậm đà. Xuân Diệu làm thơ, cảm thơ bằng cả trái tim yêu cuộc sông nồng nàn tha thiết. “Sức sống mãnh liệt của hồn thơ Xuân Diệu được phát biểu một cách đầy đủ qua những rung động tinh vi”, phải chăng vì yêu thơ, yêu đời, yêu người đến độ nồng say ông mới có thể sưởi ấm trang viết của mình bằng chính những cảm xúc chân thành tinh tế đến vậy?
Thơ Xuân Diệu khi vui cũng như khi buồn lúc nào cũng nồng nàn tha thiết. Sức sống nội tại bao hàm tất cả các cung bậc tình cảm: rạo rực, băn khoăn, sôi nổi, đậm đà... luôn cháy bỏng một khát khao tình yêu và hạnh phúc. Những dây tơ cảm xúc của cung đàn tâm hồn ông bao giờ cũng rung lên đến độ âm vang nhất. Bất cứ một tình cảm nào, ông cũng cố gắng thể hiện đến độ chín muồi, sâu đậm yêu cuộc sống đến mức rạo rực thốt lên:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng mùi hương cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi.
(Vội vàng)
Những điệp từ “ta muốn” như một thanh âm vút cao trong bản làng sôi nổi ấy. Dường như đất trời, vạn vật đều được nhà thơ bộc lộ tình yêu đắm đuối trọn vẹn đến như vậy. Hàng loạt động từ hành động được đưa vào đoạn thơ: ôm, riết, thâu, cắn tưởng như cái trừu tượng của thiên nhiên đã không còn. Thiên nhiên là vật thể, là con người và để bày tỏ tình yêu của mình nhà thơ đã không ngần ngại, không che đậy hay giấu giếm. Mùa xuân như phả vào hồn thi nhân những cảm xúc rạo rực và sôi nổi nhất. Thủ pháp liệt kê được Xuân Diệu đặc biệt sử dụng. Nó lột tả được cái dồn dập, cái vội vã của cuộc sống, của con người. Mỗi sự vật, sự việc cứ thế nối tiếp nhau liên tục đến muôn đời. Chỉ sống trong cái không khí rộn ràng, sôi động ấy con người mới tươi trẻ và tràn trề sinh lực hơn để sống để yêu là để đi tìm, để tận hưởng hạnh phúc. Thơ Xuân Diệu là thế, sức sống mãnh liệt của thơ ông, hồn ông thấm cả vào lòng người đọc. Những rung động tinh vi của cảm xúc. Nhà thơ đã giúp ông cảm nhận được cả những chuyển động rất khẽ thậm chí mờ nhạt của đường nét cảnh vật:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh.
(Đây mùa thu tới)
Người đọc có thể nhận ra thiên nhiên đang bước vào thời khắc giao thoa của hai mùa, tất cả chỉ là khởi sự. “Hơn một loài hoa” chứ không phải là tất cả. Cây chưa rụng lá hàng loạt mà mới chỉ trơ ra “đôi nhánh” khẳng khiu... Tất cả đều là sự mơ hồ cảm nhận bằng trực giác, bằng tâm hồn. Cách dùng từ độc đáo của Xuân Diệu đã tạo ra những vùng mờ như một khoang nhòa trên bức tranh thủy mặc, nó tạo độ “sương khói” cho bài thơ, hư hư thực thực cho cảnh vật. Chiếc áo “mơ phai dệt lá vàng” đã tạo nên một sắc thái mới cho bản màu nhân loại, một sắc điệu mới cho bài thơ vốn đã rất mới của ông. Không chỉ cảm nhận được sự đối thay của đất trời, vạn vật mà nhà thơ còn cảm nhận được bước đi của mùa thu với thanh âm “thu đến nơi nơi động tiếng huyền”. Tiếng huyền là gì? Phải chăng là giọt nắng khẽ, là tiếng chim gọi bạn, là lời thì thầm của hai trái tim? Những rung động dẫu rất khẽ, những chuyển động dẫu rất nhẹ nhàng vẫn làm cho bài thơ dạt dào sức sống.
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng dang thêm, cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
(Thơ duyên)
Cánh chim vội vã trở về tổ ấm của mình sau một ngày tha phương. Sự hội tụ của sự vật, sự giao thoa tâm hồn giữa “anh” và “em” làm lòng người ấm lại. Lòng yêu con người, yêu cuộc sống đã làm nên hồn thơ Xuân Diệu rạo rực băn khoăn, thiết tha sôi nổi như vậy, sức sống như dạt dào trong từng câu từng chữ. Ông trân trọng và cảm nhận được những nỗi đau dằn vặt của người kỹ nữ, ông thấy được khát khao cháy bỏng của nàng về tình yêu và hạnh phúc trong những lời van xin khẩn thiết:
Khách ngồi lại cùng em đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
(Lời kỹ nữ)
Người kỹ nữ ấy hay chính nhà thơ rất sợ cảnh cô đơn, sợ một cuộc chia ly trước mắt dẫu biết rằng “trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” và nhà thơ mời gọi thiết tha:
Gấp đi em anh rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn.
Vâng, “trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” nhưng tôi tin rằng chúng ta, những thế hệ người đọc hôm qua, hôm nay và mai sau một khi đã gặp và tiếp nhận thơ Xuân Diệu thì khó ai có thể quay lưng lại với một tâm hồn nhạy cảm và tràn đầy tình yêu thương rạo rực đắm đuôi đến như vậy.
“Thơ là chuyện đồng điệu”, phải chăng vì thế mà Xuân Diệu làm thơ để bày tỏ sự cảm thông và để đi tìm một tâm hồn đồng điệu? Hoài Thanh đã hoàn toàn đúng đắn khi cho rằng “sức sống mãnh liệt của hồn thơ Xuân Diệu được phát biểu một cách đầy đủ qua những rung động tinh vi”. Chỉ một tâm hồn dạt dào sức sống và đặc biệt nhạy cảm, khát khao tình yêu như Xuân Diệu mới có thể rạo rực thốt lên:
Trời đã thắm lẽ đâu vườn nhạt nhẽo
Đắn đo gì cho lỡ mộng song đôi.
Chỉ yêu cuộc sống đắm say rạo rực, Xuân Diệu mới sợ hãi khoảng cách của thời gian, của năm tháng đến nỗi mơ ước:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Viễn vông ư? Không đâu, ước muốn đó chỉ tô đậm thêm những sắc điệu của một trái tim Xuân Diệu luôn nồng nàn và nóng bỏng, luôn yêu thương và dâng hiến tình cảm đến độ chín muồi, trọn vẹn nhất.
Nguyễn Thị Huyền Trang
Trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2017