Nghĩ lại những thành tựu văn học ở nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám đến những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, không ai không nhớ đến truyện ngắn đôi mắt của Nam Cao. Những sáng tác hồi ấy, vừa phục vụ kịp thời, vừa đứng lại được với thời gian như Đôi mắt phải nói rằng chưa có bao nhiêu.
Truyện Đôi mắt đã tạo ra được một nhân vật khó quên: văn sĩ Hoàng mỗi lần đọc lại tác phẩm, gặp lại nhân vật này, tôi cứ phải bật cười một mình và thầm thốt lên: chà, cái anh chàng này, y như một người có thật mà mình đã gặp ở đâu rồi vậy!
Những nhân vật có phẩm chất nghệ thuật như vậy, thường giống nhau ở đặc điểm này có những chi tiết có vẻ ngẫu nhiên, thậm chí vô nghĩa nữa, vậy mà không thể hình dung ra nhân vật ấy đúng như bản chất của nó, nếu gạt bỏ đi những chi tiết ấy. Nghĩa là rất ngẫu nhiên mà lại rất tất yếu. Có vẻ vô nghĩa đấy, nhưng không có không được.
Trong Đôi mắt, Độ lần nào đến nhà Hoàng cũng bắt gặp một con chó bécgiê. Ở Hà Nội cũng thế, ở nơi tản cư cũng vậy. Điều ấy có gỉ là đặc biệt đâu! ấy thế nhưng chúng ta không thể hình dung ra cái anh văn sĩ kiêm chợ đen này đúng như kiểu người và cung cách sống của anh ta nếu không có hình ảnh cái con chó giống Đức to lớn ấy. Cũng như anh ta nhất thiết phải có thân hình to béo, nặng nề, bước đi thong thả, khệnh khạng, bởi hai cánh tay ngắn ngủi kềnh kệch ra hai bên; nhất thiết phải mặc bộ quần áo ngủ màu xanh nhạt, phủ bên ngoài bộ ria cất xén ngay ngắn trên mép; nhất thiết phải ngả người ra phía sau và kêu lên những tiếng lâm ly trong cổ họng khi nhận ra người bạn cũ; nhất thiết phải thích Tam quốc chí và khoái nhất nhân vật Tào Tháo; nhất thiết phải cùng cục trong cổ như con gà trống.v.v...
Điều thú vị ở đây là chi tiết kia không chỉ làm cho nhân vật trở thành cụ thể, sinh động, hay nói như các nhà lý luận văn học, không chỉ đóng vai cá thể hoá, cá tính hoá nhân vật. Chúng còn thể hiện một cách sâu sắc bản chất xã hội của tính cách, nghĩa là đem đến cho nó giá trị điển hình.
Phải nói rằng, bản thân việc nuôi chó bécgiê, cũng như cái thú nằm trong màn đọc Tam quốc chí, cái thú ăn mía ướp hoa bưởi v.v... bản thân nó chả có "vấn đề" gì hết. Trong những điều kiện sinh hoạt nào đó, đấy còn có thể xem là những cách giải trí lành mạnh và rất văn hoá nữa. Nhưng đặt vào hoàn cảnh cụ thể của nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt, thì những chi tiết kia quả đã bộc lộ cả một thái độ sống, hơn nữa, một bản chất chính trị của một loại trí thức trưởng giả rất khó hoà nhập với cuộc kháng chiến, vì thế, không khí của cuộc kháng chiến dù có sôi nổi đến thế nào, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân dù có đổi thay dữ dội đến đâu, vẫn không mảy may tác động đến nề nếp sinh hoạt của vợ chồng anh ta, Nghĩa là vẫn cứ phải nuôi con chó bécgiê như thế, vẫn cứ phải xây một rinh cơ riêng biệt rộng rãi như thế, vẫn cứ nhơn nhơn sống một kiểu sống an nhàn như thế. Ban ngày, nếu không vì quá buồn mà phải tìm đến mấy ông bạn tuần phủ, đốc học về hưu nào đó để đánh tổ tôm, thì chỉ muốn đóng chặt cổng lại để khỏỉ bị quấy nhiễu bởi mấy ông Uỷ ban hay tự vệ trong làng đến tuyên truyền kháng chiến. Còn buổi tối thì một nếp sống "thiêng liêng" không gì phá vỡ được là... chui vào chăn ấm, buông màn tuyn trắng toát, vừa hút thuốc lá thơm, vừa đọc Tam quốc chí trước khi đánh một giấc ngon lành đến sáng, anh ta đã sống giữa cuộc kháng chiến mà hoàn toàn cách biệt với cuộc kháng chiến cho nên Độ bước vào nhà anh ta, dù ở nơi tản cư, mà như bước vào một thế giới xa lạ hẳn với bên ngoài, và bao nhiêu hy vọng vận động anh ta đi làm báo kháng chiến với mình bỗng chốc tan thành mây khói.
Người ta nói rằng Đôi mắt là chuyện có thật. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới bùng nổ, Nam Cao công tác trong một tờ báo địa phương, quê ông. Hồi ấy, ông có đi lại thăm viếng một nhà văn nào đó ở Hà Nội tản cư ra. Ai đã từng biết lối viết văn của Nam Cao hẳn thấy điều ấy chẳng có gì lạ. Xưa nay, viết về tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, hay viết về nông dân, địa chủ, ông vẫn thường dựa vào người thực, việc thực (Ngòi bút chân thực đến nghiêm khắc ấy không muốn tưởng tượng của mình tung hoành quá tự do chăng?). Nhưng sự thực ấy đã được nhìn từ chỗ đứng nào, từ ánh sáng của những tư tưởng gì? Muốn biết điều này, cần nhớ rằng, Đôi mắt được viết vào mùa xuân năm 1948 tại Việt Bắc, vài tháng sau Nam Cao được kết nạp vào Đảng. Đó cũng là quân dân ta vừa liên tiếp ghi được những chiến công vang dội: Chợ Đồn, Chợ Rã, Bông Lau, Sông Lô,.v.v... bẻ gẫy cuộc tấn công đại quy mô của giặc Pháp lên Việt Bắc thu đông năm 1947. Đôi mắt được viết xen kẽ với một tác phẩm khác cũng rất đặc sắc của Nam Cao: Nhật kí ở rừng. Đọc tác phẩm này, thấy tâm trạng nhà văn lúc bấy giờ đang náo nức một niềm tin tưởng và tự hào ở cuộc kháng chiến mà ông đã thực sự góp phần vào, đồng thời dạt dào những tình cảm đầy cảm phục trước vẻ đẹp tâm hồn cao cả của đồng bào Việt Bắc mà ông lần đầu được tiếp xúc. Ông ghi vào nhật kí ngày 3 - 11 - 1947: "Gần gũi những người Dao đói rách và dốt nát, thấy họ rất biết yêu cách mạng, làm cách mạng chân thành, sót sắng và tận tuy, chúng tôi thấy tin tưởng vô cùng. So sánh họ với mấy thằng "bố vấu" mà Khan gọi là trí thức nửa mùa, Khan rất bất bình đối với hạng này. Chúng nó chẳng yêu một cái gì. Chúng nó chi tài chửi đổng"
Hoàng là một trong những thằng "bố vấu", có "tài chửi đổng" ấy chàng? Anh ta chẳng làm gì hết, trong khi mọi người nỗ lực tham gia kháng chiến. ích kỉ, đại hạng nhưng động mở miệng là chửi thiên hạ ngu dốt, bần tiện - Mà sao những người như thế lại chúa là hay nhân danh đạo đức, nhân nghĩa? Này đây, hãy nghe người vợ Hoàng phụ họa với những nhận xét của chồng về sự mà chị ta gọi là "thiếu tình nghĩa của người dân quê": "họ làm chính chúng tôi cũng đâm lo. Có thể nói rằng trong một trăm người thì chín mươi chín người cho rằng Tây không đời nào giám đánh mình. Mãi đến lúc có lệnh tản cư tôi vẫn cho là mình tản cư để doạ nó thôi. Thế rồi, đùng một cái, đánh nhau. Chúng tôi chạy được người chứ của thì chạy làm sao được. May mà còn vót vắt được ít tiền. Một ít hàng để ở cái trại của chúng tôi ở ngoại thành. Khéo lắm thì ăn được độ một năm. Đến lúc hết tất nhiên là phải khổ rồi. Chỉ sợ đến lúc ấy họ lại mỉa lại. Thành thử bây giờ lý ra thì có muốn ăn một con gà chưa đến nỗi không mua nổi mà ăn, nhưng ăn lại sợ người ta biết, sau này người ta nói cho thì nhục. Họ tàn nhẫn lắm cơ bác ạ"
Tôi chắc, khi ôn lại trong tâm trí mình câu nói ấy, Nam Cao đến lộn ruột lên được. Nhưng giọng kể chuyện cứ thản nhiên như không. Ấy, bản lĩnh của ngòi bút Nam Cao là thế: ông nén chặt tình càm của mình lại để cho người đọc tự tìm ra ý nghĩa mà càng thêm phẫn nộ - phân nộ mà cứ phải bật cười - trước một thái độ hết sức ích kỷ mà cứ nhơn nhơn và ngọt xớt như không.
Hoàng quả là một nhân vật xuất sắc nhất trong truyện Đôi mắt của Nam Cao.