Phân tích bài thơ Thề non nước của Tản Đà để thuyết minh theo nhiều cách hiểu

Thứ ba - 26/11/2019 09:19
Đề: Đọc bài thơ Thề non nước của Tản Đà, người thì cho rằng đây là bài thơ viết về tình yêu thắm thiết của nam nữ, người thì quả quyết là tác giả nói về phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhưng có người lại khẳng định: Thông qua câu chuyện tình yêu và lời thề thủy chung gắn bó của non và nước, tác giả muốn gửi gắm tâm sự đau buồn trước hiện tại tang thương của đất nước và niềm ước vọng ở ngày mai. Theo anh (chị) nên hiểu bài thơ như thế nào và hãy phân tích bài thơ để thuyết minh cách hiểu đó.
Thề non nước của Tản Đà là một bài thơ đa nghĩa. Hai hình tượng trung tâm của bài thơ là “non” và “nước” đúng là có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. “Non nước” có thể dùng để chỉ thiên nhiên (“Đường vô xứ Huế quanh quanh - Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” - Ca dao); cũng có thể dùng để chỉ tình yêu nam nữ (“Tóc thề đã chấm ngang vai - Nào lời non nước nào lời nước non” – Nguyễn Du); và cũng có thể chỉ đất nước (“Chí lăm trả nợ nước non cho rồi” - Nguyễn Đình Chiểu), hay “Nước non rên xiết trong xiềng xích” - Tố Hữu)

Xem ra, cách hiểu nào cũng có lý. Nhưng thiết tưởng chúng ta vẫn cần xác định một cách hiểu đúng đắn hơn cả, xác đáng hơn cả. Muốn làm được điều này thì không thể không tìm hiểu: một số nét về con người và phong cách thơ Tản Đà, về hoàn cảnh ra đời của bài thơ và những câu chữ quan trọng, trong văn bản thơ.

Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, Nguyễn Khắc Hiếu có lối sống hết sức độc đáo; lối sống ấy được coi như là một “tác phẩm tuyệt xảo, một bài thơ hay nhất” của Tản Đà. ông là nhà Nho đầu tiên trở thành nhà văn chuyên nghiệp, vừa đại diện xuất sắc cho thơ ca truyền thống, giữ được, cái cốt cách của thời trước, vừa là người đầu tiên mang vào trong thơ cái “tôi”, với những khát vọng thoát ra khỏi sự tù túng và khuôn sáo. Thơ Tản Đà thường bộc lộ tấm lòng yêu nước thầm kín thiết tha. Lòng yêu nước ấy nhiều khi được biểu hiện qua tình yêu lứa đôi, qua những cặp tài sắc tri âm, tri kỷ.

Núi Tản sông Đà - nơi chôn rau cắt rốn của nhà thơ, từ lâu đã khơi nguồn cảm hứng để Tản Đà có ý định viết bài Thề non nước. Nhưng mãi đến năm 1920, cảm hứng này mới thực sự được khơi dậy sau chuyến nhà thơ vào thăm Huế và Đà Nẵng để bài Thề non nước dài 12 câu ra đời. Sau đó, từ bài thơ này, thi sĩ viết thành truyện cũng lấy tên là Thề non nước, in trong tập Tản Đà tùng văn, 1922. Trong truyện có xen vào những đoạn của bài thơ nói trên và có thêm 10 câu nữa, tổng cộng thành 22 câu.

Để hiểu bài thơ, thiết tưởng cũng nên điểm qua nội dung truyện ngắn Thề non nước, Truyện: gồm có ba hồi tập trung vào hai nhân vật Vân Anh và khách. Vân Anh vốn là “một người con gái có nhan sắc, có tài hoa, có học vấn”, chỉ vì gia đình sa sút mà phải trở thành cô đào sống trong một xóm vắng, ít người lui tới. Người du khách thường đi lại nhà Vân Anh cũng không phải là kẻ tầm thường “say đắm ở nơi bình khang”, mà là một đấng trượng phu, mang nặng “khối tình”; Hai người xem nhau như tri âm, tri kỷ. Thực chất, họ đều là những “tao nhân mặc khách”, có tâm sự ưu thời mẫn thế, Vân Anh có một bức tranh sơn thủy vẽ dãy núi và ngàn dâu. Nàng ngỏ ý nhờ du khách đề thơ. Họ nhất trí lấy chữ non làm chủ thể với chữ nước trên Cơ sở biến thiên của cuộc đời. Tên bài thơ là Thề non nước, làm theo lối liên ngâm (mỗi người làm một số câu rồi hợp lại mà thành). Bốn câu mở đầu là của khách. Tám câu tiếp theo là của Vân Anh. Sau đó, người khách ra đi, mãi không thấy trở về; một tối, Vân Anh buồn làm thêm hai câu “Dù cho sông cạn đá mòn - Còn non, còn nước hãy còn thề xưa”, Đúng lúc ấy, người khách xuất hiện. Khi tửu hứng nồng nàn, khách làm tiếp sáu câu tiếp theo. Và Vân Anh làm tiếp hai câu kết.

Thế rồi, hai người chia tay nhau. Khách không hẹn ngày trở lại (Theo Tuyển tập Tản Đả, NXB Văn học, Hà Nội 1986)

Thực ra, trong truyện ngắn này, Tản Đà đã hóa thân thành hai nhân vật Vân Anh và du khách, “do đó, cuộc đối thoại giữa hai nhân vật xuyên suốt tác phẩm, đặc biệt là qua bài thơ liên ngâm Thề non nước chẳng qua là sự đối thoại nội tâm của chính tác giả”(1) .

Để hiểu bài Thề non nước, không những nên tham khảo truyện ngắn cùng tên nói trên, mà điều đáng lưu ý hơn là phải đặt bài thơ vào toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Tản Đà. Bên cạnh Thề non nước, Tản Đà còn có những bài thơ: Vô đề, Thư gửi người tình nhân không quen biết, Vịnh bức dư đổ rách, thơ viết cho Tây Thi hát trong Giấc mộng con(2)... tất cả đều ít nhiều có chung một nội dung là nỗi niềm đối với đất nước, ở cấp độ khác, cũng nên đặt bài thơ nói trên vào bối cảnh của văn chương dân tộc những năm 20 - “thời kỳ thơ thu, thơ sầu non nước được mùa”, “hình như thơ cũng chưa quên hẳn một đề tài truyền thống: Tình yêu Tổ quốc. Nhưng nó không dám nói thẳng nữa. Cho nên cũng chưa bao giờ hình tượng bơ vơ của Tổ quốc, mấy chữ nước non, non nước được vận dụng một cách phí phạm như lúc này”

Những điều nói trên tạo điều kiện rất cần thiết để tìm hiểu bài thơ Thề non nước và chúng ta có thể nhất trí với ý kiến cho rằng:

Thông qua câu chuyện tình yêu và lời thề thủy chung gắn bó của “non” và “nước”, tác giả muốn gửi gắm tâm sự buồn đau trước hiện tại tang thương của đất nước và niềm ước vọng ở ngày mai”. Dưới đây, sẽ phân tích bài thơ theo cách hiểu đó.

Đoạn đầu bài thơ, Tản Đà giới thiệu hai nhân vật - hai hình tượng trung tâm là “non” - “nước” trong sự gắn bó và cách xa:
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không.

Hai ý được thể hiện qua bốn câu thơ theo lối đan xen. Hai câu sáu “Nước non nặng một lời thề”; “Nhớ lời nguyện nước thề non” đều ngắt nhịp 2/4 nói về sự gắn bó thiêng liêng của một lời thề sâu nặng. Câu thơ đầu được tác giả phối hợp bằng trắc một cách tài tình nhắc lại ý thề nguyền ở tựa để. Chữ “nặng” để trước chữ “một lời thề” đúng là đã làm cho câu thơ trĩu xuống. Về ngữ nghĩa lẫn trình tự câu chữ đã gợi lên được sự sâu nặng của lời thề. Hai câu tám “Nước đi đi mãi không về cùng non”; “Nước đi chưa lại non còn đứng không” đều ngắt nhịp 4/4 để nói về sự cách xa. Bốn chữ “Nước đi đi mãi” vừa khêu gợi được sự cách xa thăm thẳm, mịt mùng về không gian, vừa khêu gợi được sự xa cách triền miên vồ tận về thời gian.

Ở bốn câu thơ trên nói riêng, và ở cả bài thơ nói chung, nghệ thuật điệp từ đã được nhà thơ sử dụng một cách biến hóa đem lại hiệu quả đáng kể. Tiêu biểu nhất là việc dùng những từ “non” và “nước”. Chúng được đặt ở những vị trí khác nhau. Lúc thì dí liền nhau: “Nước non nặng một lời thề”; lúc thì đan chéo nhau: “Nhớ lời nguyện nước thề non” để khắc họa sự gắn bó mật thiết. Khi thì, “nước non” lại bị xé ra, để mở đầu và kết thúc câu thơ: “Nước đi đi mãi không về cùng non”; khi thi mở đầu hai vế của một câu thơ “Nước đi chưa lại, non còn đứng không” để biểu đạt sự chia li, cách xa. Như vậy, rõ ràng, hai từ “non” và “nước” đã được sử dụng với tần số cao, nhưng người đọc hoàn toàn không có ấn tượng về sự trùng .. lặp nhàm chán, ngược lại vẫn thấy tự nhiên thanh thoát nhờ tài sử dụng lình hoạt biến hoá của tác giả để khắc họa những ý tưởng khác nhau.

Vả lại, bốn câu thơ đầu ngữ nghĩa có phần mơ hồ, không xác định. Điều này vừa thích hợp với tính chất đa nghĩa của hình tượng “non, nước”, vừa làm cho đoạn thơ hàm súc: “ngụy trang” dấu kín nỗi niềm “gửi lời nước non” của nhà thơ.

Như vậy, với kỉ thuật thơ điêu luyện, với năng lực sử dụng tiếng Việt bậc thầy, và đặc biệt bằng một tấm lòng gắn bó sâu nặng với quê hương đất nước của thi sĩ; đoạn đầu bài thơ có sức vang ngân trong lòng độc giả, góp phần biểu đạt tâm trạng vừa đau buồn, vừa thấp thỏm hi vọng của nhà thơ.

Như một tất yếu, khi đã gắn bó thề nguyền mà có sự chia li - có kẻ ra đi, người ở lại; thì đương nhiên có nhớ thương mong chờ. Tiếp theo đoạn một, đoạn thứ hai của bài thơ gồm 10 câu triển khai trên cơ sở nội dung ấy.

Nếu như bốn câu thơ đầu vừa phân tích trên đây chủ yếu là những câu tự sự (kể), thì sáu câu thơ tiếp theo lại là những câu thơ có chức năng miêu tả. Nhà thơ tập trung khắc họa hình ảnh của “non” trong những ngày xa “nước”.

 
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm bao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Như vậy, người đi là “nước”, kẻ ở lại là “non”, ở đây “non”' có người hiểu là chính thi sĩ Tản Đà, cũng có người hiểu là đất nước mất chủ quyền. Tuy vẫn có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau, nhưng quả thật, bắt đầu từ câu thơ thứ năm mở đầu cho đoạn hai, dựa vào mạch thơ và hình ảnh thơ, “non” ít nhiều đã có ý nghĩa cụ thể hơn. Phải chăng, ở đấy điều chính yếu Tản Đà muốn nói đến là: xa “nước”, “non” sống trong một trạng thái võ vàng, cô lẻ. (Từ “non” đứng trơ trọi một mình và chỉ xuất hiện một lần trong suốt sáu câu thơ vừa dẫn). “Non” khắc khoải như cố vươn lên cao (“non cao”) đăm đắm nhìn về phía trời xa để trông đợi “nước” đến bồn chồn da diết (“ngóng trông”), Sự bồn chồn da diết ấy kéo dài dai dẳng liên tục theo thời gian .(“những ngóng cùng trông”). Nhờ cách dùng điệp nghĩa (đã “ngóng” lại còn “trông”), cách sử dụng cặp từ quan hệ chỉ sự gia tăng (“những”  “cùng”); tác giả sáng tạo được một câu thơ có sức khêu gợi, ám ảnh. người đọc. Ngoài ra, cảnh tượng xung quanh chẳng những không làm cho “non” khuây khỏa nỗi lòng, ngược lại khiến “non” sầu muộn, võ vàng hơn. Con suối tựa như dòng nước mắt của người đợi chờ, bởi chảy hoài theo tháng năm, nên nay đã cạn kiệt. Cây mai vốn là biểu tượng của sự bất khuất thanh khiết vì sương gió phũ phàng cũng trở nên tiều tụy hao mòn. Mái tóc xanh óng ả ngày xưa cũng bị năm tháng làm cho bạc trắng như tuyết sương... Tất cả cảnh vật dường như đều nhuốm màu vàng vọt yếu ớt của ánh chiều tà.. Cảnh tượng này khiến người đọc hình dung ra dáng vẻ của một thiếu nữ kiều diễm, nhưng đang trong trạng thái héo hon, tiều tụy. Điều đó hoàn toàn có thể giải thích được vì ở Tản Đà, “cái bệnh đa tình” nổi lên ngay từ khi 5 tuổi. Nhà thơ vốn là thi sĩ đa tình bậc nhất trong các thi sĩ đa tình. Bóng dáng của mĩ nữ thường xuất hiện trong thơ Tản Đà với một cảm hứng nồng nàn, say đắm. Tình cảnh của “non” còn làm chúng ta nghĩ hình ảnh người đàn bà bồng con đợi chờ chồng trong truyện Hòn Vọng Phu và nhớ tới nỗi mong ngóng người anh hùng Từ Hải của nàng Kiều:
 
Cảnh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời dăm dăm,
                                            (Truyện Kiều)

Nhưng điều quan trọng nhất là bằng cách phác họa bức tranh thiên nhiên thật đẹp và cũng thật buồn nói trên,- nhà thơ tô đậm hình ảnh trông ngóng tội nghiệp của kẻ ở lại đối với người ra đi, của “non” đối với “nước”.

Nếu như tình cảnh của “non” khiến ta thương xót, thì điều nguyện ước của “non” khiến ta cảm phục.

Dẫu cho đã mỏi mòn theo năm. tháng, dẫu biết mình đã luống tuổi, nhưng trước sau, người ở lại vẫn khẳng định dù cho vật đổi sao dời, tình cảm đối với người ra đi vẫn trẻ trung, nồng thắm thiết tha: “Non cao tuổi vẫn chưa già”. Câu thơ ngắt nhịp 3/3 tạo nên một sự đối lập, khắc họa thành công ý tưởng nói trên. Và đến câu thơ tiếp theo: “Non còn nhớ nước, nước mà quên non” có lẽ không thể coi là một lời oán trách, hoặc lời nghi ngại của “non” đối vôi “nước” như có người đã từng hiểu; Đặt trong chỉnh thể bài thơ, phải chăng đây là một lời khẳng định: “nước” làm sao quên được “non”?
Ý tưởng ấy được nhấn mạnh, được khắc sâu thêm ở những câu thơ tiếp theo:

 
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.

Thực chất, đây vốn là những câu ca dao quen thuộc được Tản Đà “lắp ghép” vào bài thơ của mình một cách tự nhiên, nhuần nhị và chúng đã được đồng hóa trong một thi phẩm đậm đà tính dân tộc.
Xa “nước”, “non” tàn tạ héo mòn. nhưng vẫn khẳng định tấm lòng đợi chờ thủy chung son sắt của mình; vẫn tin có ngày hội ngộ. Cho dù, niềm tin này có thể chưa dựa trên một cơ sở chắc chắn, nhưng từ cảnh ấy, tình ấy nó vẫn làm cho người đọc cảm thông xúc động.

Tám câu kết thúc bài thơ được thể hiện dưới hình thức một lời an ủi: Nhà thơ an ủỉ “non”, nói cho đúng hơn nhà thơ tự an ủi chính bản thân mình bằng quy luật vận động của tự nhiên. Ý tưởng nhất định “nước” sẽ trở về, “non” và “nước” dứt khoát sẽ sum họp bền lâu đã được thể hiện bằng một câu thơ chắc nịch:

 
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Đấy là một chân lí. Bởi vậy “Nước kia dù hãy còn đi - Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui”. Hình ảnh “ngàn dâu xanh tốt” có thể xem là hình ảnh của “nước”. “Nước” vận động, biến đổi, nhưng “nước” không bao giờ mất. Do đó, hình ảnh này đúng là có tác dụng làm cho cảnh tình sáng lên một chút niềm vui, xanh thêm màu hi vọng... Đến hai câu cuối cùng nhà thơ lặp lại lần thứ tư lời thề và sử dụng thành công lối điệp kép làm cho câu thơ tăng thêm giá trị biểu cảm, một lần nữa khẳng định sự son sắt thủy chung giữa “non” và “nước” bằng một giọng diệu phơi phới tin yêu: “Nghìn năm giao ước kết đôi - Non non nước nước không nguôi lời thề”.

Tóm lại, bằng thể thơ và giọng thơ mang đậm màu sắc dân tộc, với năng lực sử dụng ngôn ngữ biến hóa đa dạng... bài thơ Thề non nước biểu hiện một cách thần tình và xúc động tấm lòng gắn bó máu thịt, nhớ thương da diết và tin tưởng sắt son... của nhà thơ núi Tản sông Đà đối với đất nước trong cảnh ngộ đau khổ bởi mất chủ quyền.

Tuy không khích lệ căm thù, không trực tiếp kêu gọi chiến đấu, nhưng “Thề non nước” đúng là “những vần thơ thiết tha lay động... về đất nước”  vê quê hương xứ sở, do đó sẽ sống mãi trong tâm hồn người đọc.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây