Trong những câu dân gian nói về lao động, em thích nhất câu ca dao:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.
Câu ca dao như một lời nhắn nhủ chứa chan tình nghĩa “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mà ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo vẫn hằng nhắc nhở chúng ta.
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta được gọi là hạt ngọc, hạt vàng. Bát cơm dẻo thơm ta ăn hằng ngày, các loại bánh như bánh cốm, bánh chưng, bánh giầy, bánh phở... những món ăn ngon ấy đều được chế biến từ hạt gạo. Cốm Vòng dẻo thơm bọc trong lá sen xanh, ai đã một lần được thưởng thức cái thức dâng của Trời, cái ngọt ngon của đồng quê nội cỏ nước Nam thì suốt đời vẫn nhớ.
Ai đã làm ra hạt gạo để mọi người được bưng những bát cơm đầy dẻo thơm, được no ấm? Chính là người dân cày Việt Nam đã một nắng hai sương, quanh năm vất vả cày bừa, cấy hái, làm cỏ, tát nước, bón phân, bắt sâu mới làm nên những mùa vàng no ấm.
Trời lúc mưa gió, bão táp, úng ngập, lúc nắng hạn, đồng khô nứt nẻ, để cấy hái làm ra hạt gạo bát cơm ngon lành, dẻo thơm, người nông dân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nếm trải “đắng cay muôn phần”.
Câu ca dao đã ca ngợi đức tính cần cù, chịu khó và tinh thần sáng tạo của người nông dân Việt Nam. Họ là động lực, là nguồn sống của xã hôi. Nhờ họ mà mọi người, mọi nhà được no ấm. Nhờ họ mà đất nước ta có nhiều triệu tấn gạo xuất khẩu. Nhờ họ mà quê hương ta ngày một giàu có, thịnh vượng.
Câu ca dao còn ca ngợi và khẳng định giá trị của bông lúa, hạt gạo. Nó nhắc nhở mọi người khắc sâu trong trái tim mình lòng biết ơn người dân cày Việt Nam và phải biết quý trọng, không lãng phí lúa gạo.
Từ câu ca dao, em nghĩ về đất nước, tự hào về nền văn minh sông Hồng, nền văn minh trồng lúa nước. Em nghĩ về nền nông nghiệp nước ta đang trên đà phát triển, hiện đại hóa. Điện và máy móc (máy cày, máy bừa, máy gặt đập liên hợp, máy bơm nước,...) đã đến với đồng quê. Đất nước ta sẽ sản xuất được 50 triệu, 100 triệu tấn lúa mỗi năm... Đó là mơ ước của cả dân tộc.
Học câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy - Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, cũng là bài học “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” này càng trở nên sâu sắc, thấm thìa.
Nguyễn Công Thăng
(Học sinh lớp 9 THCS Nga Sơn, Thanh Hóa)