Bài học thấm thía nhất về cụộc đời và văn thơ Nguyễn Đình Chiểu?

Chủ nhật - 24/11/2019 09:35
Đề: Bài học thấm thía nhất về cụộc đời và văn thơ Nguyễn Đình Chiểu?

Nhận xét về cuộc đời và thơ văn Đồ Chiểu, ông Phạm Văn Đồng viết: “Trên trời có vì sao có ánh sáng khác thường... Con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì mới càng sáng” (Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc). Càng suy nghĩ về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, ta càng thấy thấm thía bởi “ánh sáng khác thường” từ ngôi sao sáng đó.

Điều khiến ta thấm thía nhất qua cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu phải chăng là: cuộc đời ấy đã nêu cao “một tấm gương sáng ngời về nghị lực và đạo đức, đặc biệt là về thái độ suốt đời gắn bó và chiến đấu không mệt mỏi cho lẽ phải, cho quyền lợi của nhân dân, đất nước” (Nhận định. của SGK Văn 11). - Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng để lại nhiều bài học nhựng phải chăng điều thấm thía nhất qua sự nghiệp thơ văn của ông là: có một sự thống nhất cao độ, tuyệt đẹp giữa lý tưởng, sống trong cụộc đời thực tại và trong thơ văn. Thơ văn ông cho ta thấy người chiến sĩ Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ đầy khí tiết đất Gia Định, thầy giáo mù Đồ Chiểu và nhà thơ ở Ba Tri... là một. Một con người chiến đấu suốt đời không biết mệt mỏi cho lẽ phải, cho nhân dân đất nước với một khí phách, một nghị lực phi thường. Bình thường một con người sống cương trực, thẳng thắn, biết yêu quí lẽ phải, đứng về phía chân lý đấu tranh chống lại bọn bất nghĩa, bất nhân... đã là đáng để cho ta tôn trọng, mến yêu. Với Đồ Chiểu, sống trong mù loa, tàn tật mà vẫn giữ trọn được đạo lý, cốt cách cao đẹp thì lại càng đáng kính phục biết bao nhiêu. Giặc Pháp nhảy vào Nam Bộ, không đánh giặc được bằng gươm, ông đánh giặc bằng mưu trí, cùng bàn kế đánh giặc với: các lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định, Đốc binh Là. Giặc chiếm hết Nam Bộ, sống trong đất giặc chiếm, ông từ chối mọi sự mua chuộc của kẻ thù, kiên quyết giữ vững khí tiết đến phút chót cuộc đời, trong khi biết bao kẻ làm ngơ trước nỗi nhục của giang sơn; đất nước, cam tâm làm tay sai cho giặc. Phải đặt trong hoàn cảnh đó chúng ta mới càng thấy nhân cách cao cả và tấm lòng tận trung ngay thẳng của nhà thơ mù Đồ Chiểu. Trước khi Pháp sang, ông đã dùng ngòi bút để “đâm mấy thằng gian.” vô đạo, bất nhân. Đến khi Pháp sang, Ông tiếp tục nêu cao tinh thần chiến đấu vì chính nghĩa bằng ngòi bút sắc bén của mình. Ở Nguyễn Đình Chiểu, văn với người là một. ông viết thế nào thì sống và hành động thế ấy. Văn thơ của ông, thể hiện rất rõ chân dung tinh thần của ông: một con người luôn vì nghĩa đứng về lẽ phải, chống lại cái ác và bọn bất nhân một cách quyết liệt, đến cùng. Trước khi Pháp sang, với tác phẩm Lục Vân Tiên, ông đã thể hiện rõ lý tưởng sống này. Ông ca ngợi hết lời những con người cao đẹp vì nghĩa xả thân đánh cướp, trừ gian như Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực... ông cũng ca ngợi và tôn vinh những con người thủy chung, trong sáng, có nghĩa có tình như Kiều Nguyệt Nga. Mặt khác, ông không tiếc lời lên án bọn người bất nhân, bất nghĩa như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Võ Thể Loan... Yêu và ghét ở Đồ Chiểu rạch ròi, phân minh, không một chút lẫn lộn thiện ác, bạn thù. Giặc Pháp xâm chiếm nước ta, quân bán nước và lũ cướp nước giờ đây trở thành bọn bất nhân, bất nghĩa. Ngòi bút “chí công” của ông liền chĩa vào những kẻ “Quăng vùa hương, xô bàn độc”. “Phạt cho đến người hèn, kẻ khó, thâu của quay treo. Tội chẳng tha con nít, đàn bà, đốt nhà, bắt vật”. Lòng căm thù giặc của Đồ Chiểu thể hiện trong những dòng chữ như bốc lửa:

Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ
                                                   (Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc)
Nhưng đối với những tấm gương xả thân vì nghĩa lớn, ngã xuống vì dân tộc, lời thơ của ông lại đầy trân trọng và xót thương:

Làm người trung nghỉa dáng bia son
Đứng giữa càn khôn tiếng chằng mòn
Cơm áo đền bù ơn đất nước
Râu mày giữ vẹn phận tôi con
Tinh thần hai chữ phao sương tuyết
Khí phách ngàn thu rõ núi non” .
                                                      (Thơ điếu Phan Tòng)
Đặc biệt, trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước ta, ông đã dựng lên được hình tượng người nghĩa quân nông dân hết sức chân thực. Những con người quanh năm “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, khi giặc đến, bỗng trở thành người nghĩa sĩ anh hùng:

Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có”
                                                                              (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Sống trong vòng vây của giặc, trước bao nhiêu âm mưu dụ dỗ của kẻ thù, Đồ Chiểu vẫn nêu cao tinh thần trung nghĩa, ngòi bút của ông vẫn sáng ngời chủ nghĩa yêu nước:

 
Thà cho trước mắt mù mù
Chẳng thà ngồi thấy kẻ thù quân thân”
                                                                                      (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)
Cho đến những ngày cuối đời, quê hương, đất nước rơi hẳn vào tay giặc, từ trong đau thương mất mát, thơ văn Đồ Chiểu vẫn vút lên những âm thanh trong trẻo thể hiện niềm tin ở tương lai đất nước:

 
Chừng nào thánh đế ân soi thấu .
Một trận mưa nhuần rửa núi sông”
                                                                                                   (Xúc cảnh)

Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một cuộc đời hết lòng vì nghĩa. Dù mù lòa, tàn tận, dù gieo neo, vất vả, con người tưởng như đã là phế nhân ấy vẫn một lòng tôn thờ chính nghĩa, quyết liệt chống lại các thế lực bạo tàn, phi nhân bằng ngòi bút sắc bén của mình. Ông sống thế nào thì viết thế ấy. Trung thực và thẳng thắn, thơ văn ông là tâm hồn và chí khí của ông. Làm sao không xúc động và thấm thía trước một cuộc đời, một sự nghiệp văn chương và một nhân cách cao cả như thế!

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây