Nghị luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng - Bài làm 1
Rừng là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người, mang đến nhiều giá trị không thể thay thế. Sự tồn tại và phát triển của rừng có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống con người, do đó, bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Rừng là một hệ sinh thái đa dạng, bao gồm động vật, thực vật, vi sinh vật và đất, sinh sôi nảy nở trên những vùng đất cao rộng, đặc biệt là đồi núi. Việt Nam, với diện tích đồi núi chiếm 3/4 lãnh thổ, tự hào về tài nguyên rừng phong phú và giàu giá trị.
Rừng được coi là "phổi xanh" của con người, giúp điều hòa không khí, làm sạch môi trường và bảo vệ sức khỏe. Cây xanh trong rừng thông qua quá trình quang hợp tạo ra khí oxi và hấp thụ khí carbon dioxide, phục vụ cho hô hấp của con người và động vật. Rừng cũng làm lọc và giữ lại khí bụi và chất độc hại trong không khí, tạo ra bầu khí quyển trong lành và mát mẻ. Bằng cách giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, rừng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và sức khỏe của con người.
Rừng cũng có vai trò phòng hộ, ngăn chặn lũ quét, xói mòn đất và làm giảm thiểu tác động của thiên tai. Rừng đã giúp ngăn chặn và giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây ra cho con người. Sự hiểu biết về vai trò quan trọng này cần được thể hiện qua việc trân trọng và bảo vệ rừng.
Ngoài ra, rừng còn mang lại giá trị kinh tế to lớn. Hàng năm, rừng cung cấp lượng gỗ lớn phục vụ đời sống và sản xuất. Rừng cũng là nguồn tài nguyên quý giá như nhân sâm, tam thất, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Rừng cũng là điểm đến cho các nhà thám hiểm khám phá vẻ đẹp tự nhiên và sự bí ẩn của thế giới.
Đặc biệt, rừng có giá trị quân sự, từ kháng chiến đến việc xác định ranh giới quốc gia và bảo vệ lãnh thổ. Bảo vệ rừng đồng nghĩa với bảo vệ đất nước và dân tộc.
Vì vai trò quan trọng của rừng đối với cuộc sống, chúng ta cần trân trọng và bảo vệ rừng. Mỗi người cần ý thức và đóng góp để giữ gìn và phát triển rừng, bằng cách trồng cây và phủ xanh đất trống.
Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện những hành vi phá hoại rừng, chặt cây trái phép vì lợi ích kinh tế ngắn hạn. Việc đốt rừng và tàn phá cây xanh cũng đe dọa diện tích rừng và gây hậu quả khôn lường cho môi trường. Những hành động này cần bị lên án và đòi hỏi biện pháp cứng rắn để ngăn chặn những kẻ phá hoại rừng.
Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta và là một việc làm có ý nghĩa quan trọng, yêu cầu sự đoàn kết và đồng lòng của mọi người. Vì sức khỏe và cuộc sống của chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ rừng và màu xanh thiêng liêng của đất nước.
Nghị luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng - Bài làm 2
Hình ảnh rừng xanh đại ngàn chạy dọc suốt dải đất hình chữ S từ xưa đến nay vốn đã quen thuộc với nhiều người Việt Nam, chúng đi vào thơ ca, ca dao tục ngữ, gắn liền với cuộc sống của người dân đất Việt. "Rừng vàng biển bạc" đem lại sự trù phú cho quê hương; rừng cung cấp nguồn dược liệu và gỗ quý giá; rừng bảo vệ chiến sĩ trong thời chiến; rừng chắn mọi sóng gió; rừng là lá phổi xanh duy trì sự sống tươi mát cho con người; rừng còn là nhà của bao loài động thực vật, tạo nên sự đa dạng sinh học đóng góp biết bao lợi ích cho cuộc sống của chúng ta... Có thể thấy, những cánh rừng xanh vô cùng quan trọng với một quốc gia, dân tộc. Do đó, trách nhiệm bảo vệ rừng không chỉ của một cá nhân, tổ chức hay của riêng nhà nước, mà là của tất cả mọi người.
Nhưng thực tế đáng buồn hiện nay, diện tích rừng ở nước ra đang ngày càng thu hẹp bởi nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ lợi ích kinh tế của một bộ phận cá nhân. Đơn cử như việc đốt rừng làm rẫy của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Hay việc chặt phá rừng, kể cả rừng phòng hộ lấy gỗ quý của một số cá nhân, tổ chức, có sự tiếp tay của kiểm lâm, lãnh đạo địa phương. Việc ồ ạt xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sinh thái mà không có sự đầu tư nghiên cứu về môi trường, cảnh quan thiên nhiên; hoạt động du lịch tự phát của một số người thiếu ý thức bảo vệ môi trường cũng làm phá vỡ môi trường sống của nhiều loài động thực vật trong rừng...
Những nguyên nhân này khiến diện tích rừng ngày càng thu hẹp, mà hậu quả của việc rừng biến mất chính con người chúng ta phải chịu trách nhiệm. Mất đi rừng phòng hộ, đất đá xói mòn, dễ xảy ra sạt lở, lũ quét, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân sinh sống xung quanh. Không còn rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn, nước biển đang từng ngày xâm lấn vào đất liền, hoạt động triều cường liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và cuộc sống của người dân. Mất rừng cũng khiến cát vùng ven biển xâm lấn sâu hơn vào đất liền, gây ra tình trạng sạt lở vùng ven biển, ven sông. Diện tích rừng thu hẹp còn ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh thái của nước ta, không còn câu "rừng vàng biển bạc nữa", thay vào đó là sự biến mất dần của một số loài động thực vật. Ví dụ như thực trạng một số đàn voi ở Tây Nguyên thường xuyên phá nương rẫy, lấn vào vùng ven khu vực dân cư sinh sống đã chứng tỏ môi trường sống của chúng bị đe dọa, thu hẹp. Đây là thực tế đáng buồn đã tái diễn nhiều lần trong những năm qua. Hậu quả của việc mất rừng chính chúng ta đang phải gánh chịu.
Vậy làm thế nào để bảo vệ "lá phổi xanh" của chúng ta? Bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm minh của pháp luật, em cho rằng, bản thân mỗi người cần phải có trách nhiệm và việc làm cụ thể để bảo vệ rừng. Bởi chúng ta vẫn đang sống nhờ những lợi ích của rừng đem lại, bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Cụ thể như: Thẳng thắn tố giác những hành vi phá rừng, chuộc lợi phi pháp hay hành vi tiếp tay cho tội phạm phá rừng; tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện dọn sạch rác thải; tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng; tuyên truyền đến bà con những tác hại của việc đốt rừng làm rẫy; tham gia các phong trào hành động vì môi trường... Mỗi người chúng ta hãy thể hiện rõ trách nhiệm của mình ngay hôm nay đối với tài nguyên rừng. Đó không chỉ vì bảo vệ cuộc sống của con người ở hiện tại, mà còn vì cuộc sống của con cháu chúng ta mai sau.
Nghị luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng - Bài làm 3
Hiện nay, bảo vệ rừng là hoạt động được nhiều người quan tâm và đẩy mạnh. Bởi tài nguyên rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người.
Để hiểu được vì sao việc bảo vệ rừng lại có vai trò quan trọng đến như vậy. Chúng ta cần hiểu được những lợi ích to lớn mà rừng đem lại. Hệ sinh thái rừng cây cung cấp một lượng lớn gỗ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, tạo ra vật dụng phục vụ cuộc sống con người. Rừng còn là một lá phổi xanh luôn hoạt động mạnh mẽ, giúp thanh lọc bụi mịn trong không khí và hấp thu một lượng lớn khí CO2, hạn chế sự phát triển của hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, rừng cũng là một kho tàng các loại dược liệu quý hiếm và là ngôi nhà của các loài động vật hoang dã. Ngoài ra, rừng còn đóng vai trò như một bức tường thành vững chãi ngăn cản sự tác động của bão lũ, sạt lở đất… đối với khu dân cư. Không chỉ vậy, rừng còn là nơi để con người tìm đến nghỉ ngơi, thư giãn, du lịch. Từ đó đi vào thơ ca nhạc họa.
Dù rừng cây có những lợi ích to lớn, gắn kết chặt chẽ với cuộc sống của con người như vậy. Nhưng hiện nay, một diện tích lớn rừng cây, thậm chí là rừng lâu năm, rừng đầu nguồn đã bị chặt phá bừa bãi, không có kế hoạch. Chính vì thế, chúng ta cần phải quyết liệt hơn trong việc bảo vệ rừng. Vì bảo vệ rừng, không chỉ là bảo vệ một tài nguyên thiên nhiên, mà là đang bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta. Nếu thiếu đi rừng cây, chúng ta sẽ đối mặt với sự thiếu hụt nặng nề về các loại dược liệu và gỗ cây. Kéo theo sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã vì mất môi trường sống. Môi trường sống cũng theo đó mà trở nên khắc nghiệt hơn khi thiếu đi lá phổi xanh thanh lọc, thiếu đi lá chắn giúp cản trở các thiên tai. Vì vậy, mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện việc bảo vệ rừng.
Chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như tham gia tuyên truyền về việc bảo vệ rừng trên các kênh mạng xã hội. Thực hiện các hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh. Lên án, phê phán các hành vi khai thác rừng bừa bãi. Chỉ khi tất cả mọi người cùng đoàn kết, thì việc bảo vệ rừng mới phát huy tối đa sức mạnh của mình.