Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn 11 sách Chân trời sáng tạo

Thứ ba - 09/04/2024 21:59
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn 11 sách Chân trời sáng tạo, có đáp án kèm theo. Mời các bạn cùng tham khảo.

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
(1) Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm
(2) Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng
Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong?
(3) Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời
(4) Đốt nén hương thơm, mát dạ Người
Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi...”
(Trích bài thơ “Mẹ Tơm”- Tố Hữu, Thơ Việt Nam 1945 - 1985)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
A. Miêu tả
B. Tự sự
C. Nghị luận
D. Biểu cảm

Câu 2. Thể thơ của đoạn trích trên là gì ?
A. Tự do
B. Song thất lục bát
C. Lục bát
D. Thất ngôn tứ tuyệt

Câu 3. Dựa vào nội dung khổ thơ (1), bài thơ được viết vào hoàn cảnh nào
A. Trong một chuyến ghé thăm bất ngờ vùng đất Hậu Lộc.
B. Tác giả trở về quê hương sau bao ngày xa cách.
C. Nhân dịp tác giả đi cùng đoàn tham quan.
D. Trong một chuyến đi về thăm lại người mẹ anh hùng.

Câu 4. Biện pháp tu từ sử dụng trong câu thơ: “Những trái tim như ngọc sáng ngời” là:
A. So sánh, hoán dụ
B. Nhân hóa, so sánh
C. Hoán dụ, đảo ngữ
D. Ẩn dụ, hoán dụ

Câu 5. Tâm trạng của tác giả được thể hiện ở khổ thơ thứ hai trong đoạn trích trên là:
A. Sự ngạc nhiên, vui mừng trước sự đổi thay của quê hương
B. Sự ngơ ngác và cảm giác lạ lùng khi lâu ngày mới trở lại
C. Sự bùi ngùi, xúc động khi nhìn thấy những cảnh vật nơi đây
D. Sự thất vọng, nuối tiếc khi không còn thấy cảnh cũ, người xưa

Câu 6. Hai câu thơ sau cho ta thấy điều gì?
“Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi”
A. Vẻ đẹp cuộc sống mới đang thay đổi từng ngày
B. Hình ảnh thiên nhiên, đất nước trong thời kì chiến tranh
C. Khung cảnh thiên nhiên vào buổi sáng sớm
D. Sự thay đổi của con người vào thời kì hậu chiến

Câu 7. Trong đoạn thơ trên có mấy cặp từ trái nghĩa?
A. 5
B. 2
C. 1
D. 3

Câu 8. Nội dung chính của văn bản trên là?
A. Dòng cảm xúc của tác giả khi trở về quê mẹ Tơm
B. Tác giả gửi gắm tấm lòng thương yêu, kính trọng, ngợi ca và biết ơn người mẹ đã nuôi dưỡng nhà thơ trong những ngày tháng gian khổ.
C. Cả A và B đều đúng
D. Cả A và B đều sai

Câu 9 (1,0 điểm) Dựa vào trích đoạn “Mẹ Tơm” của tác giả Tố Hữu, em thấy hình ảnh mẹ Tơm hiện lên là người như thế nào?

Câu 10 (1,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 -7 câu) nhận xét về tình cảm của tác giả được thể hiện trong khổ thơ cuối.
 

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Em hãy viết bài văn nghị luận phân tích tác phẩm Mẹ Tơm của Tố Hữu

HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Câu Nội dung Điểm
Câu 1 D. Biểu cảm 0,5 điểm
Câu 2 A. Tự do 0,5 điểm
Câu 3 D. Trong một chuyến đi về thăm lại người mẹ anh hùng. 0,5 điểm
Câu 4 A. So sánh, hoán dụ 0,5 điểm
Câu 5 A. Sự ngạc nhiên, vui mừng trước sự đổi thay của quê hương 0,5 điểm
Câu 6 A. Vẻ đẹp cuộc sống mới đang thay đổi từng ngày 0,5 điểm
Câu 7 C. 1 0,5 điểm
Câu 8 C. Cả A và B đều đúng 0,5 điểm
Câu 9 Mẹ Tơm là một người mẹ giàu lòng thương yêu, có lí tưởng cao quý, một người phụ nữ yêu nước, căm thù giặc. Mẹ không quản khó nhọc nguy hiểm để cất giấu cán bộ chiến sĩ trong nhà mình. 1,0 điểm
Câu 10 Học sinh phân tích những tình cảm, cảm xúc của tác giả được thể hiện ở khổ thơ cuối của đoạn trích.
Học sinh trình bày trong một đoạn văn, có thể triển khai theo các kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.
1,0 điểm
 

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Câu Nội dung Điểm
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Đảm bảo cấu trúc ba phần: Mở - Thân - Kết.
0,25 điểm
  b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Viết văn bản nghị luận về thơ Mẹ Tơm – Tố Hữu. 0,25 điểm
  c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:
Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu luận đề: những cảm xúc, rung động, suy tư của chính nhà thơ.
Thân bài:
- Giới thiệu ngắn gọn về tứ thơ, mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
- Cảm xúc, suy tư của nhà thơ về người mẹ anh hùng.
- Suy tư của tác giả về cuộc đời, quan điểm sống…
Lưu ý: Các luận điểm làm sáng tỏ luận đề gồm câu chứa luận điểm + lí lẽ + dẫn chứng.
Kết bài:
Cảm nhận, nhận thức của cá nhân về những cảm xúc, rung động, suy tư của chủ thể trữ tình.
3,0 điểm
  d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 0,25 điểm
  e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng. 0,25 điểm
  Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.  
.
Bài văn mẫu:
Tố Hữu có cả một dòng thơ viết về người mẹ. Trong tập thơ “Từ ấy” có bài ” Bà má Hậu Giang”; trong tập thơ “Việt Bắc” có “Bầm ơi!” “Bà Bủ”, “Bà mẹ Việt Bắc”, trong tập thơ “Gió lộng” có “Quê mẹ”, “Mẹ Tơm”; trong tập thơ”Ra trận” có “Mẹ Suốt”… Ông viết về người mẹ với tấm lòng thương yêu, kính trọng, ngợi ca.

Bài thơ “Mẹ Tơm” cũng được tác giả viết với dòng cảm xúc cao quý ấy và gửi gắm lòng biết ơn người mẹ đã nuôi dưỡng nhà thơ trong những ngày vượt ngục. Từ xúc cảm cụ thể, bài thơ vươn lên triết lí, để cao dạo lí ân nghĩa của dân tộc.Tác giả đã chọn thể loại thơ trữ tình kết hợp với tự sự thích hợp với giọng điệu tâm tình. Kết cấu
 của bài thơ theo diễn biến của cuộc hành trình và theo sự vận động nội tâm của tác giả.

Cái tôi trữ tình hiện diện ngay ở đầu bài thơ với cảm xúc dào dạt khi nhà thơ trở về miền biển Hậu Lộc, quê hương của mẹ Tơm, sau mười chún năm xa cách:

“Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắg dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát…”


Nhà thơ đi trong không gian thoáng đãng, dưới trưa nắng sáng, trong âm vang của sóng biển (hay sóng lòng?). Những từ láy phụ âm đầu như “xôn xao”. “đu đưa”. “ngân nga” đã cộng hưởng thành một hòa âm xao động mà êm ái du dương.

Nhà thơ trửo nên hồn nhiên, trò chuyện với những cái không thể trò chuyện được, chào hỏi những vật vô tri như chào hỏi cố nhân:

“Hòn Nẹ ta ơi! Mảng về chưa đó
Có nhiều không con nục, con thu?
Cho những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố!
Nhớ nhau chăng, hỡi Hanh Cát, Hanh Cù?”


Màu sắc cũng được gợi lên thật đẹp. Màu xanh của “dừa xanh” đầy sức sống, nổi bật trên màu trắng của “cát trắng” tinh anh và điểm xuyết nét dỏ của “dưa đỏ ngọt lành”. Nhưng hay nhất của khúc tâm tình này là âm nhạc. Những từ láy và những vần lưng cộng hưởng thành những hòa âm phong phú”

“Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát”
“Chào những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố”
“Hỡi đồi cát trắng rung rinh nắng”


Trong điệu nhạc ân tình, nhà thơ tưởng nhớ đến người mẹ nuôi xưa.

“Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm”


Tố Hữu nhớ đến mẹ Tơm là nhớ đến một người mẹ giàu lòng thương yêu, có lí tưởng cao quý. Chính mẹ Tơm mười chín năm về trước đã nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ cho Tố Hữu trong những ngày vượt ngục đầy gian nan, bất chấp bạo lực của kẻ thù. Mẹ Tơm tình nghĩa mà anh hùng!

Nhà thơ ngạc nhiên, vui mừng trước sự đổi thay của quê hương Hậu Lộc :

“Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng
Thơm phức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy , nước khơi trong ? “


Màu sắc mới mẻ ( tường vôi trắng ) , hương vị miện biển ( thơm phức mùi tôm ) , hình ảnh “ ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng “ đã nói lên sự thay da đổi thịt của miền quê Hậu Lộc – một miền quê biển thanh bình , sung túc.

Nhà thơ ngơ ngác trước cuộc sống lạ lùng hôm nay. “Cô gái má bồ quân “ , “ Mái đầu tóc xoã xanh bên giếng “ , mười chín năm trước đã quen thân , vậy mà giờ đây cả hai đều bỡ ngỡ . Lời thoại giữa cô gái và nhà thơ tạo ra không khí sôi nổi , trẻ trung cho thơ :

“Nhiều đấy ư em , mấy tuổi rồi ?
- Hai mươi.
- Ờ nhỉ , tháng năm trôi
Sóng bồi thêm bãi , thiền thêm bến
Gió lộng đường khơi , rộng đất trời ! “


Rồi giọng thơ lại bùi ngùi trước hai tin buồn :

Ông mất năm nao ngày độc lập
“Bà về năm đói , làng treo lưới
Biển động : Hòn Mê , giặc bắn vào … “


Nhà thơ lại “ bâng khuâng” nhớ lại chuyện cũ. Mười chín năm trước , Tố Hữu và một số bạn tù đã vượt ngục  Đắc Lay về Thanh Hoá và “ Duyên may dây nối , đất Hanh Cù”. Nhà thơ và các bạn tù đã tìm đến bà mẹ nghèo ở đất Hanh Cù :

“Đầu thôn , cồn vắng , túp lếu rơm :
Tổ ấm chim về . Có mẹ Tơm
Hai đứa trai ngày đi cúp dạo
Nồi khoai sớm tôi lót thay cơm”


Mẹ Tơm nghèo nhưng tình nghĩa “thương người cộng sản, căm Tây , Nhật “ , trung thành , thuỷ chung với cách mạng :

“Buồng Mẹ – buồng tim – giấu chúng con”

Thật không còn hình ảnh nào xác thực hơn để ngợi ca lòng trung thành của mẹ Tơm đối với Đảng , với cách mạng ! Hình tượng người Mẹ cứ lớn dần lên hoà lẫn với non nước thật là cao đẹp.

…”Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn “
…”Bóng Mẹ ngồi trông , vọng nước non !”


Mẹ Tơm từ người mẹ nuôi dưỡng , đã trở thành người mẹ tranh đấu. Từ những việc làm âm thầm như nuôi giấu cán bộ , ngồi canh cho những hoạt động của chiến sĩ cách mạng , dần dần Mẹ đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh :

“Chợ xa , Mẹ gánh mớ rau xanh
Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh
Bãi cát vàng thau in bóng mẹ
Chiều về…Hòn Nẹ…biển reo quanh! “


Mẹ Tơm gợi nhớ đến nhân vật Nilôpna trong tiểu thuyết “ Người mẹ “ của Macxim Go-rơ-ki. Hai người Mẹ đều bắt đầu từ tự phát đến tự giác đấu tranh .Và đều có những hành động anh hùng , bất khuất.

Nhà thơ tưởng niệm mẹ Tơm bằng một “ nén hương thơm “ và triết lí sâu sắc ngợi ca người Mẹ tình nghĩa mà anh hùng :

“Ôi bóng người xưa , đã khuất rồi
Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi
Sống trong cát , chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời !
Đốt nén hương thơm , mát dạ Người
Hãy về vui chút , mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói , tường vôi mới
Phấp phới buồm giong , nắng biển khơi “


Thành công lớn nhất của bài thơ là đã tái hiện được hình ảnh mẹ Tơm . Người mẹ nghèo khổ sống lặng lẽ âm thầm nhưng giàu lòng thương yêu và son sắt thuỷ chung với cách mạng . Từ người mẹ thật ngoài đời đã bước vào trong thơ thành nhân vật lí tưởng của thi nhân . Tượng đài người mẹ anh hùng mà tình nghĩa dược hiện lên trong âm nhạc hoài niệm và ngợi ca nên có sức ngân vang mãi trong lòng người đọc.​​​​​​

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây