A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- GV cho học sinh bắt thăm đọc một đoạn văn bản trong các phiếu đọc. Đảm bảo đọc đúng tốc độ, thời gian 3 - 5 phút/ HS.
- Dựa vào nội dung bài đọc, GV đặt câu hỏi để học sinh trả lời.
II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)
Đọc đoạn văn sau:
SÔNG NƯỚC CÀ MAU
Thuyền chúng tôi chèo thoắt qua kênh Bọ Mắt, đổ ra Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ rừng được dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây được mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ,...lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.
Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập. Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng...
(Đoàn Giỏi)
Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:
Câu 1: Sông Năm Căn thuộc tỉnh nào ở nước ta? (0,5 điểm)
A. Kiên Giang.
B. Cà Mau.
C. Bạc Liêu.
Câu 2: Dòng sông Năm Căn mênh mông ầm ầm đổ ra biển ngày đêm được so sánh với sự vật nào? (0,5 điểm)
A. Thác nước.
B. Biển khơi.
C. Con suối.
Câu 3: Rừng cây hai bên bờ sông được miêu tả như thế nào? (0,5 điểm)
A. Mọc theo khóm, ngọn cao ngọn thấp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông.
B. Mọc dài theo bãi, ngọn cao tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông.
C. Mọc theo hàng dài, xanh um tùm, nằm gọn bên bờ sông.
Câu 4: Em hiểu từ “trường thành” trong đoạn văn trên là gì? (0,5 điểm)
A. Bức thành uốn lượn, mềm mại.
B. Bức thành cao lớn.
C. Bức thành dài, vững chắc.
Câu 5: Tóm tắt nội dung đoạn văn trên bằng một câu. (1 điểm)
....................................................................................................................
Câu 6: Viết 2 – 3 câu nêu cảm nhận của em về vùng sông nước nơi đây. (1 điểm)
....................................................................................................................
....................................................................................................................
Câu 7: Tìm các từ ngữ chỉ màu xanh có trong đoạn văn. (0,5 điểm)
......................................................................................................................
Câu 8: Tìm một từ có nghĩa giống với từ mênh mông, đen trũi. (0,5 điểm)
.....................................................................................................................
Câu 9: Em hãy xếp những từ sau vào đoạn văn sao cho thích hợp. (1 điểm)
giật mình, biến đi, im lặng, rào rào.
Rừng cây ... quá. Mỗi tiếng lá rơi lúc nào có thể khiến người ta ... Gió bắt đầu nổi ... Phút yên tĩnh của rừng ban mai dần ...
B. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1. Nghe – viết (4 điểm)
Hương làng
Ở làng tôi, chiều chiều, hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, bay đến rồi thoáng cái lại bay đi. Tháng Ba, tháng Tư, hoa cau thơm lạ lùng. Tháng Tám, tháng Chín, hoa ngâu như những viên trứng cua tí tẹo, ẩn sau tầng lá xanh rậm rạp, thơm nồng nàn...Ngày mùa, mùi thơm từ đồng thơm vào, thơm trên đường làng, thơm ngoài sân đình, thơm trên các ngõ.
(Theo Băng Sơn)
2. Tập làm văn (6 điểm)
Viết đoạn văn ngăn (8 – 10 câu) kể về một việc làm góp phần bảo vệ môi trường mà em đã chứng kiến hoặc tham gia.
Gợi ý:
- Việc làm đó là việc gì? Do ai làm? Làm ở đâu? Vào thời gian nào?
- Công việc đó được thực hiện như thế nào?
+ Bằng cách nào để làm sạch môi trường?
+ Tinh thần làm việc của mọi người ra sao?
+ Kết quả công việc thế nào?
- Nêu cảm xúc của em sau khi công việc đã được hoàn thành.
ĐÁP ÁN
A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
Câu 1: (0,5 điểm)
B. Cà Mau.
Câu 2: (0,5 điểm)
A. Thác nước.
Câu 3: (0,5 điểm)
B. Mọc dài theo bãi, ngọn cao tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông.
Câu 4: (0,5 điểm)
C. Bức thành dài, vững chắc.
Câu 5: (1 điểm)
Ví dụ: Khung cảnh dòng sông Năm Căn bao la, rộng lớn.
Câu 6: (1 điểm)
HS nêu cảm nhận của mình.
Ví dụ: hấp dẫn người đọc bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thiên nhiên Cà Mau sinh động, trù phú, đa màu sắc, màu xanh của rừng đước, của sông nước...
Câu 7: (0.5 điểm)
- Từ ngữ chỉ màu xanh: xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ.
Câu 8: (0.5 điểm)
mênh mông – bao la; đen trũi – đen nhẻm
Câu 9: (1 điểm)
Rừng cây im lặng quá. Mỗi tiếng lá rơi lúc nào có thể khiến người ta giật mình. Gió bắt đầu nổi rào rào. Phút yên tĩnh của rừng ban mai dần biến đi.
B. KIỂM TRA VIẾT: (10 ĐIỂM)
1. Chính tả (4 điểm)
- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,5 điểm):
- 0,5 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.
- 0,25 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.
- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (3 điểm):
- Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 3 điểm
- 2 điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;
- Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.
- Trình bày (0,5 điểm):
- 0,5 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.
- 0,25 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.
2. Tập làm văn (6 điểm)
- Trình bày dưới dạng một đoạn văn, có số lượng câu từ 8 đến 10 câu, viết về làm góp phần bảo vệ môi trường mà em đã chứng kiến hoặc tham gia, câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, rõ ràng: 6 điểm.
- Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bài xấu, không đúng nội dung yêu cầu.
Đoạn văn mẫu:
Việc bảo vệ môi trường, giữ cho môi trường sống luôn sạch đẹp là trách nhiệm của tất cả mọi người. Với ý thức đó, lớp em đã quyết định tổ chức buổi tổng vệ sinh lớp học để góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh trường lớp xanh - sạch - đẹp. Buổi lao động diễn ra vào chiều thứ sáu, mỗi bạn trong lớp đều chuẩn bị khẩu trang, giẻ lau và chổi để làm việc. Cô chủ nhiệm phân công, hướng dẫn rất chi tiết công việc cần làm cho mỗi tổ và từng học sinh. Em được cô giao cho nhiệm vụ lau bảng. Em đã đi giặt khăn thật sạch và lau lại bảng hai lần để đảm bảo bảng sạch phấn trắng. Mặc dù đã thấm mệt nhưng chúng em ai cũng vui vẻ và hào hứng bởi được chia sẻ công việc cùng nhau. Chỉ tầm ba mươi phút là lớp học của em đã sạch đẹp, khang trang và gọn gàng hơn rất nhiều. Đúng lúc này, cô hiệu trưởng bước vào lớp kiểm tra và đã khen ngợi tinh thần lao động tích cực của chúng em. Cô quyết định sẽ khen thưởng và cộng điểm thi đua cho lớp trong tuần này. Em rất vui, tự hào về buổi lao động của lớp chúng em.