Emerson là một nhà thơ nổi tiếng người Mĩ, các tác phẩm của ông cho tới ngày nay vẫn được mọi người yêu thích. Một hôm, Emerson định dắt một con bê vào chuồng, bèn gọi con trai tới giúp. Nhưng con bê này vô cùng bướng bỉnh, nó cứ đứng yên không nhúc nhích. Emerson và cậu con trai càng dùng sức thì nó lại càng ngoan cố, kiên quyết không chịu dịch chân lấy một bước. Trong lúc hai bố con đang ra sức kéo thì một người giúp việc của gia đình chạy tới.
“Chà! Chúng tôi thực sự bó tay với con bê này rồi”, Emerson thở hổn hển nói.
“Thế sao?” cô giúp việc tới trước mặt con bê, quan sát tỉ mỉ một hồi rồi đưa tay ra, cho ngón cái của mình vào miệng con bê.
Emerson thấy thế thì thắc mắc:
“Cô đang làm gì thế? Nó là một con bê rất bướng bỉnh, coi chừng nó cắn đứt tay cô đấy!” Đúng lúc này, con bê bắt đầu cử động cái miệng, mút mút tay cô giúp việc, còn cô thì chuyển động đôi chân, dẫn nó vào chuồng. Emerson lúc này mới vỡ lẽ ra, hóa ra con bê không chịu đi là vì nó đang đói.
Vì sao một người có kiến thức uyên thâm như Emerson lại phải đầu hàng một con bê? Đó là vì ông không biết thực sự nó đang cần gì. Ông chỉ nghĩ tới mục đích của mình dẫn con bê vào chuồng, mà không biết rằng lúc đó, thứ nó cần nhất lại là thức ăn. Cô giúp việc không hề cho bê ăn, nhưng đã thực hiện được mục đích của mình một cách thuận lợi, đó là kết quả của việc cô đã hiểu nhu cầu của đối phương.
Thực ra, ai cũng có nhu cầu riêng của mình, có người hi vọng tìm được một công việc tốt, có người hi vọng được người khác khẳng định, có người hi vọng sự nghiệp thành công; nhưng chúng ta lại thường chỉ coi trọng nhu cầu của mình mà không quan tâm tới nguyện vọng của người khác. Nếu bạn muốn người khác làm giúp bạn một chuyện thì trước tiên bạn hãy thử tìm hiểu nhu cầu của người khác là gì, nếu không bạn sẽ giống như
“Emerson dắt bò”, tốn công vô ích.
Nguyên tắc quan trọng nhất khi giao tiếp với người khác là: Đứng trên lập trường của họ để suy nghĩ vấn đề. Nếu một người đùa với bạn, đó là vì họ muốn nghe thấy tiếng cười của bạn; nếu một người kể cho bạn chuyện gì đó mà anh ta thấy đắc ý, thì đó là vì anh ta muốn được bạn khen ngợi; nếu một người chính tay nấu cho bạn một món ăn, đó là vì họ muốn nghe một câu
“ngon quá”. Chỉ khi hiểu người khác cần gì, bạn mới có thể
“như cá gặp nước”, thuận lợi đạt được nguyện vọng của mình.
• Nếu hai người vì một chuyện gì đó mà tranh cãi với nhau, thì chứng tỏ họ đều không biết đối phương cần cái gì.
• Trước khi thỏa mãn nguyện vọng của mình, tất nhất hãy thỏa mãn nguyện vọng của người khác.
Chúng ta có những nhu cầu gì?