Kẻ thù, tội lỗi, bi ai lớn nhất của đời người là gì?

Thứ sáu - 20/09/2019 11:10
Không có kẻ thù nào nguy hiểm bằng chính bản thân ta.
Không có tội lỗi nào bằng tội bất hiếu.
Không có bi ai nào lớn hơn lòng đố kị.
Con người biểu lộ tính ưu việt của mình ở bên trong, chỉ có con vật mới lộ ra bên ngoài mà thôi. Hãy sống và sống thật như một con người đúng nghĩa nhé!
Không có kẻ thù nào to lớn và nguy hiểm bằng chính bản thân ta.

Tà ý xấu xa vốn là kẻ thù tiềm ẩn lớn nhất của đời người mà tự ta khó vượt qua nổi. Thật là nghịch lý khi bao khó khăn, thử thách, gian nan do khách quan mà nhờ tinh thần, ý chí quyết tâm ta đều vượt qua. Nhưng, khi trong tâm có bệnh thì lại chịu thua, như dao sắc không gọt được chuôi vậy.

Đúng như nhận định trong thế giới có bốn điều tự hủy hoại là: Cây nhiều hoa, quả nặng quá, sẽ gãy cành, rắn độc mang nọc độc nhưng lại bị giết để lấy nọc, kẻ làm việc nước không hiền tài, thì sẽ hại dân hại nước, kẻ làm điều bất thiện sẽ bị quả báo. Cho nên sách Kinh dạy rằng: “Sự độc ác do tâm sinh ra, sẽ quay lại tự hại bản thân mình, cũng như sắt tạo ra chất gỉ rồi chất han gỉ ấy sẽ tiêu hủy dần thân hình của sắt”. Suy nghĩ xa hơn và kỹ hơn về giáo lý ấy thì càng rõ, nếu ta không vượt qua được chính bản năng của mình thì lương tâm và trí tuệ của ta cũng sẽ bị xói mòn mục ruỗng, chẳng mấy chốc mà thành phế nhân.

Ngạn ngữ vẫn cho rằng: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nội dung bên trong hoặc phần tinh thần không nhìn thấy được ấy mới quyết định bản chất của một chính nhân thực thụ, bởi đơn giản là: “Con người biểu lộ tính ưu việt của mình ở bên trong, chỉ có con vật mới lộ ra bên ngoài mà thôi”.

Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.

Nếu như không có cha mẹ thì làm sao mình có thể hiện diện trên cõi đời này? Tại sao lại có thể quên đi người đã sinh ra mình?

Những người con bất hiếu này chỉ nhìn thấy cái trước mắt và họ không hiểu được nguồn gốc và tình cảm của cha mẹ họ. Sau này, nếu con cháu họ đối xử cũng như vậy thì họ sẽ cảm nhận được thế nào là tội lỗi. Gieo nhân nào gặt quả nấy!
 
“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Trong mỗi người Việt chúng ta, người được đi học tử tế đến những người vì hoàn cảnh khó khăn mà thất học, từ bé đều được nghe 4 câu ca dao đầy ý nghĩa này. Nó là bài học căn bản đầu tiên của mỗi con người.

Nỗi bi ai lớn nhất của con người chính là lòng đố kị.

Tính ganh ghét và đố kị như một ngọn lửa nhỏ leo lét trong tâm mỗi người. Với những ai điều chỉnh được bản thân hướng thiện thì sẽ chế ngự được ngọn lửa ấy và hóa nó thành khát vọng tốt đẹp ham muốn vươn lên, với những kẻ bản năng tầm thường thì ngọn lửa này sẽ thỏa sức cháy, thiêu rụi hết những gì gọi là nhân đức - giáo dục - văn hóa biến người ta thành một con thú hoang lồng lộn cắn xé giành giật miếng mồi và kết cục lại bị chính ngọn lửa tham này đốt cháy thành tro bụi. Đúng là: Lòng tham thì hại mình, Sướng miệng thì tổn thân!

Bệnh ghen tị luôn khiến nội tâm con người bức xúc, hậm hực khó mà khuyên giải được nếu như không được thỏa mãn một tý chút gọi là. Thế mới biết, sự đời đâu phải chỉ con gà tức nhau tiếng gáy, mà con ngựa ghen nhau tiếng hí, con chó ganh nhau tiếng sủa, con chim đua nhau tiếng hót, còn con người thường ghen tị mà hãm hại lẫn nhau. Có lẽ nên tra lại Minh tâm bảo giám để ghi nhớ thêm một câu: Miếng ăn sướng miệng, sẽ sinh ra bệnh tật, việc làm thỏa chí, sẽ đưa tới tai vạ. Tranh hơn chạy tắt hay thành ác, nói lỡ lời đâm ra tiếng đồn đại. Cho nên, để bệnh rồi mới uống thuốc sao bằng tự ngừa trước bệnh tật?

Nho giáo là một đạo học về cuộc sống có nội dung giản đơn chủ yếu thuận theo lẽ sống tự nhiên của khuôn khổ xã hội nhất định. Người có học Nho bao giờ cũng có chất nền nếp, giữ phép tắc, có lòng nhân đạo bác ái. Tuy nhiên, Nho giáo nhiều khi khó hiểu, rườm rà khiến cho người học khó theo kịp và không thể lấy mức nào để làm chuẩn mực. Chỉ có những tính chất trí tuệ và triết lý của Nho học là mang tính giáo dục lưu truyền phổ thông với tác dụng thực tiễn cao nhất, đặc biệt là về bản chất và phong cách sống của con người - đây là lĩnh vực mà cổ nhân đưa ra nhiều triết lý vô cùng sâu sắc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây